Cán bộ tín nhiệm thấp có thể chưa bị miễn nhiệm ngay

0:00 / 0:00
0:00
Quá trình thảo luận, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Chiều nay (23/6), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Chiều nay (23/6), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước

Theo nghị trình, chiều 23/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Quá trình thảo luận, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Điều 12 dự thảo nghị quyết quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đó.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về cơ chế xin từ chức, có ý kiến đồng ý với quy định trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức nhưng đề nghị bổ sung thời gian xin từ chức ngay trong dự thảo Nghị quyết để có cơ sở thực hiện.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính nghiêm minh, trong trường hợp này nên trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm luôn mà không cần qua bước cho từ chức. Trong khi đó, đối với trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cũng có ý kiến đề nghị nên có cơ chế cho họ chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới tiến hành việc miễn nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các quy định trên tại điều 12 dự thảo Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước ((Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, các luật về tổ chức bộ máy,...)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hồi âm kiến đề nghị quy định người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm ngay tại kỳ họp đó mà không chờ đến kỳ họp sau.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc dự thảo Nghị quyết quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với người có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” có thể được thực hiện tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất là để bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện các quy trình về nhân sự theo quy định.

Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động của HĐND ở địa phương, khi kỳ họp của HĐND thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Mặt khác, tại Điều 19 của dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo của các cơ quan bằng cách gửi nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ và cơ quan cấp trên trực tiếp để thực hiện giám sát, nên các vấn đề về công tác cán bộ sẽ được theo sát và xử lý sớm nhất có thể, hạn chế để xảy ra tình trạng cán bộ có tín nhiệm thấp vẫn tiếp tục giữ chức vụ trong thời gian dài sau đó.

Về thời hạn và thời điểm, dự thảo nghị quyết quy định, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, các mức độ tín nhiệm so với các lần trước vẫn giữ nguyên ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Dự thảo cũng quy định ba hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục