Chào luật sư, xin hỏi công chức nhà nước có được phép mua nhà ở nước ngoài để ở hay đầu tư kinh doanh không?
Để tìm hiểu cán bộ, công chức có được quyền mua nhà ở nước ngoài để ở hoặc đầu tư kinh doanh/hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư khác ra nước ngoài hay không cần tìm hiểu trên cơ sở các quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật đầu tư và các văn bản nghị định hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài.
Luật cán bộ, công chức quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, cũng như các việc cán bộ, công chức không được làm. Theo đó, Nhà nước cho phép cán bộ, công chức được tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. Ngoài ra, không có quy định cụ thể nào cấm cán bộ, công chức mua nhà ở nước ngoài (để ở hoặc mục đích khác).
Đối với việc đầu tư ra nước ngoài: Luật đầu tư 2014 (sửa đổi năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021) và nghị định 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài cũng ghi nhận chủ thể thực hiện đầu tư ra nước ngoài là cá nhân mang quốc tịch Việt Nam.
Hiện pháp luật chỉ cấm cán bộ, công chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam; không được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp.
Như vậy, cá nhân nói chung và cán bộ, công chức nói riêng được quyền mua nhà, được thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam (Luật đầu tư và các quy định pháp luật khác), pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư và các Điều ước quốc tế có liên quan.
Nhiều nhà đầu tư bỏ tiền mua bất động sản nước ngoài để được nhận thêm quốc tịch. Ảnh: Internet. |
Vậy, để đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư phải thỏa mãn những điều kiện gì?
Để đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định về ngành nghề đầu tư. Đối với những ngành nghề có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đó.
Với lĩnh vực bất động sản, có những quy định riêng nào về việc đầu tư ra nước ngoài không?
Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một trong các ngành nghề đầu tư có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 (do vậy thời điểm hiện tại Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về điều kiện đối với nghành nghề này).
Còn Luật đầu tư 2014 không quy định về các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện mà chỉ quy định về nguyên tắc, hình thức, và thủ tục đầu tư ra nước ngoài.
Về thủ tục, để đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp).
Với các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu bất động sản tại nước ngoài có thêm một quốc tịch nữa thì phải tuân thủ quy chế quản lý công dân như thế nào?
Theo nguyên tắc thì pháp luật Việt Nam chỉ công nhận công dân có một quốc tịch, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt thì công dân có thể có nhiều hơn một quốc tịch.
Đó là, người được Chủ tịch nước cho phép, trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam, trẻ em là con nuôi. Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.
Đối với công dân Việt Nam có nhiều hơn một quốc tịch thì việc thực hiện quản lý công dân được thực hiện trên cơ sở Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước thì giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế.
Ngoại lệ, đối với công dân Việt Nam là đại biểu quốc hội thì phải đáp ứng tiêu chuẩn có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Việc quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam có nhiều hơn một quốc tịch được thực hiện trên cơ sở Luật Quốc tịch Việt Nam, luật quốc tịch của nước thứ 2 và các Điều ước quốc tế không căn cứ vào việc họ có sở hữu bất động sản tại nước ngoài hay không.