'Cấm xuất cảnh người bị nghi tham nhũng, cần ngăn việc bỏ trốn'

Theo quy định có hiệu lực từ đầu năm 2018, người bị nghi tham nhũng, xét thấy cần ngăn bỏ trốn thì cơ quan chức năng cấm xuất cảnh.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Chất vấn Chánh án toà án nhân dân tối cao sáng 18/11, đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu bốn hạn chế lớn liên quan đến việc xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.

Đầu tiên là xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. "Có vụ khởi tố từ 2014 đến nay chưa kết thúc. Có trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chuẩn bị khởi tố. Trường hợp Dương Chí Dũng trước đây, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy vừa qua là ví dụ điển hình", bà Nga nói.

Hạn chế thứ hai, tỷ lệ án tham nhũng, kinh tế trả hồ sơ để điều tra bổ sung rất cao, cao nhất trong tất cả các loại án, đặc biệt là các vụ án do cơ quan cấp trung ương tiến hành; năm 2017, tỷ lệ này là 71,1%.

Thứ ba, kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình của dư luận, nhất là việc xác định tội danh có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, chuyển từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái.

'Cấm xuất cảnh người bị nghi tham nhũng, cần ngăn việc bỏ trốn' ảnh 1

 Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp.

Hạn chế thứ 4, trong thi hành án thì việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có rất thấp. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, bà Nga đề nghị Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Công an..., cho biết tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân nào, trách nhiệm và giải pháp khắc phục thời gian tới.

Trả lời đại biểu Nga, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết với ngành do ông phụ trách thì chỉ có một bản án đã trả lại, truy tố đúng tội danh, còn điều tra kéo dài và thi hành án không thu hồi được là trách nhiệm cơ quan điều tra, cơ quan truy tố...

Tranh luận với ông Nguyễn Hoà Bình, bà Lê Thị Nga cho rằng, có lẽ các câu hỏi dồn dập nên Chánh án chưa trả hết ý của đại biểu. Vì vậy, bà đề nghị Chánh án trả lời rõ câu hỏi giải pháp nào để khắc phục hạn chế của loại án kinh tế, tham nhũng lớn mà dư luận đặc biệt quan tâm.

"Tội phạm tham nhũng có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng"

Giải trình chất vấn của đại biểu Nga, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, năm 2017 cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý trên 91.000 vụ án, trên 129.000 bị can, xử lý trên 80%. 

Trong đó, các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng đã được khám phá nhanh chóng, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn do Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc được tập trung điều tra, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thượng tướng Lâm thừa nhận xung quanh việc phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng còn có hạn chế.

Một số vụ án chậm, nguyên nhân do đây là tội phạm có chủ thể đặc biệt, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện của cơ quan chức năng. Án này thường được thực hiện có tổ chức, nhiều người, diễn ra khá lâu mới bị phát hiện, được che đậy bằng nhiều hình thức và tài sản tham nhũng cũng được che giấu, hợp lý hoá hoặc tiêu huỷ tài liệu...

Theo Bộ trưởng Công an, việc điều tra xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến nhiều cơ quan, dẫn đến thời gian kéo dài.

Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn bất cập, thời gian giám định dài, một số người từ chối giám định, trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu... Một số văn bản pháp luật còn thiếu, chưa chặt chẽ nên khó khăn trong việc thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. 

"Giám sát đặc biệt đối với người liên quan án tham nhũng"

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp. Bộ sẽ phối hợp với các ban ngành chủ động phát hiện, đẩy nhanh công tác điều tra...

Về việc thời gian qua một số đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Bộ trưởng Công an cho biết, quy định pháp luật trước đây nêu chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn với bị can, bị cáo.

"Đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo quy định trước đây thì đây là thời điểm không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra xử lý vụ án. Việc các cơ quan điều tra chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên cũng là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", Thượng tướng Tô Lâm nói.

Sau khi diễn ra tình trạng trên, Bộ chỉ đạo lực lượng chức năng truy bắt, đưa tội phạm về để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quá trình đó nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho người bỏ trốn thì kiên quyết xử lý.

Trong thực tiễn một số trường hợp bị tố giác, kiến nghị khởi tố cũng đã bỏ trốn. Vì vậy, quá trình xây dựng Luật tố tụng hình sự 2015, Bộ công an kiến nghị bổ sung điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh. Theo nội dung quy định này, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm, xét thấy cần ngăn chặn ngay việc bỏ trốn ra nước ngoài hoặc ngăn chặn tiêu huỷ chứng cứ, thì cơ quan chức năng kiến nghị giám sát đặc biệt đối với người liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng; cho phép áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt. Quy định này đã được thông qua và đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. 

"Có trường hợp bị cấm xuất cảnh, cuối cùng không có tội"

Giơ biển tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, có nhiều trường hợp bị ngăn xuất cảnh thời gian dài nhưng cuối cùng lại không có tội.

Ông đơn cử một trường hợp doanh nhân không được cho xuất cảnh, sau cả năm điều tra lại không có tội gì.

"Đây là nghịch lý. Trong những trường hợp đó làm sao để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bởi vì cấm người ta xuất cảnh, nếu sau này họ thiệt hại rồi kiện mình rằng làm mất cơ hội vài chục, vài trăm triệu đô, liệu mình có trả nổi không?", ông Nghĩa lo lắng.

Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, "nếu hành xử không khéo thì người có tội lại lọt mất". Vì vậy, ông đề nghị Bộ trưởng Công an xem lại luật pháp hiện hành để vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân, vừa phòng, chống tham nhũng một cách chặt chẽ.

Về nội dung tranh luận này, do đã hết giờ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời bằng văn bản.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục