Cảm nhận sau ĐHCĐ bất thành của KLS

ĐHCĐ của CTCK Kim Long (KLS) dự kiến tổ chức vào 8h30 ngày 19/3/2011 đã không thể thực hiện vì không hội đủ 65% số cổ phiếu (thực tế là chưa đủ 40%) có quyền biểu quyết. Là cổ đông đã đến tham dự ĐHCĐ bất thành của KLS vừa qua và có trao đổi với nhiều cổ đông trong đại hội, tôi có một số suy nghĩ như sau:
Cảm nhận sau ĐHCĐ bất thành của KLS

>> Chưa có đáp án cho phương án chuyển đổi Kim Long

Thứ nhất, nỗi bức xúc của một số cổ đông. Một số cổ đông đã chất vấn gay gắt Chủ tịch HĐQT, có những nghi ngờ về nhiều vấn đề liên quan đến việc giữ nhiều tiền mặt (1.800 tỷ đồng); về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ bỏ "hành nghề chứng khoán", chuyển sang đầu tư các lĩnh vực khác; vấn đề công bố thông tin... Một loạt cổ đông lớn, nhất là các cổ đông ở TP. HCM đều không ủy quyền như trước đây để tham gia ĐHCĐ cũng thể hiện sự nghi ngại của họ.  

Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất có thể là do TTCK thời gian qua sụt giảm, giá cổ phiếu KLS giảm mạnh, nhiều NĐT mất tiền. KLS lại là cổ phiếu có mức biến động giá lớn, có "sóng to" (beta = 1,73), nên thực tế đây là cổ phiếu "đầu cơ", có nhiều người "lướt sóng" bị thua lỗ nên bức xúc của họ là bình thường; người đầu tư chưa hiểu được lý do chuyển đổi định hướng kinh doanh, còn nghi ngờ về khả năng tạo thu nhập tại những lĩnh vực khác mà lãnh đạo Công ty chưa có kinh nghiệm; nghi ngờ về việc công bố thông tin, có người còn đặt vấn đề là có "nội gián" hay không; nghi ngại về quyền lợi của cổ đông sau khi Công ty chuyển đổi...

Thứ hai, sự thiếu trách nhiệm của cổ đông. ĐHCĐ là nơi để cổ đông thực hiện "quyền"  của mình, nhưng nhiều người "quên" đây cũng là nơi để thực hiện "nghĩa vụ". Nếu vì sở hữu quá ít cổ phiếu mà không tham gia, hoặc đường xá xa xôi, chi phí tốn kém thì cũng đáng trách nhưng còn có thể chấp nhận. Nhưng đặc biệt đáng trách là những cổ đông lớn, sự thiếu trách nhiệm của họ đã gây thiệt hại cho Công ty khi tổ chức không thành ĐHCĐ lần 1 (chi phí có khi cả tỷ đồng).

Thứ ba, là cổ đông, tôi nhìn nhận Công ty là khá tốt so với giá cổ phiếu KLS hiện tại. Là  người lăn lộn nhiều với TTCK, tôi cho rằng, khi TTCK suy giảm như năm 2010 và đầu năm nay, Công ty giữ được lượng tiền mặt nhiều như vậy để gửi tiết kiệm với lãi suất cao là một thành công lớn. Vấn đề chuyển đổi ngành nghề kinh doanh: trong kinh tế thị trường, việc chuyển đổi là rất bình thường. Tuy nhiên, kinh doanh chứng khoán là một ngành đặc biệt và KLS là CTCK lớn, với lượng cổ đông lớn, nên đã gây chú ý đặc biệt của dư luận. Thực tế, Công ty chỉ muốn bỏ nghiệp vụ môi giới, tư vấn đầu tư là chính, nghiệp vụ tự doanh vẫn giữ, nhưng dưới hình thức đầu tư tài chính.

Tôi ủng hộ phương án chuyển đổi của KLS vì TTCK Việt Nam hiện quá nhỏ bé, trong khi có quá nhiều CTCK. Ban lãnh đạo cũng muốn chuyển sang đầu tư dự án (sẽ bị hạn chế khi là CTCK). Tôi có trao đổi với một cổ đông nắm giữ khoảng 250.000 cổ phiếu KLS, vị này khẳng định sẽ đưa về cho KLS ngay các dự án bất động sản tốt nếu Công ty có 500 tỷ đồng tiền mặt trở lên. Có lẽ Ban lãnh đạo muốn tận dụng những cơ hội đó. Do đó,  cổ đông nên ủng hộ Công ty "cởi trói" khỏi CTCK để Ban lãnh đạo tận dụng được các cơ hội mới. Trong trường hợp cổ đông không ủng hộ chuyển đổi, KLS vẫn là CTCK, nhưng những nghiệp vụ bị thua lỗ thì nên thu hẹp, giảm đầu tư và tăng cường đầu tư các dự án nhỏ theo quy định của pháp luật.

Theo tôi, với thị giá KLS như hiện nay (10.5), cổ đông không nên bán ra và nếu cổ phiếu về sát mệnh giá hoặc thấp hơn thì hoàn toàn có thể mua tiếp vào. Các thành viên lãnh đạo đã không bán cổ phiếu ra ngoài mặc dù có thể biết trước đa số cổ đông về dự định chuyển đổi, đó là minh chứng họ thực sự gắn bó với Công ty.

TS. Tôn Tích Quý
TS. Tôn Tích Quý