Cam kết tỷ USD và những dự án trên giấy

(ĐTCK) Rất nhiều cam kết đầu tư khủng đã được đưa ra tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của các địa phương. Nhưng bao nhiêu dự án đã và sẽ được hiện thực hóa, hay cũng chỉ là các cam kết trên giấy? 
Phần lớn diện tích đất quy hoạch Dự án Liên hợp khu công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước chưa giải phóng xong mặt bằng. Phần lớn diện tích đất quy hoạch Dự án Liên hợp khu công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước chưa giải phóng xong mặt bằng.

Hồ hởi cam kết khủng

Cách đây 2 ngày, Bình Phước đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2018 và tại đó, lãnh đạo tỉnh đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hàng loạt dự án, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) trong sự hồ hởi của những người tham dự.

Trong số này, có 11 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 312 triệu USD, của các nhà đầu tư Hank Cuk Carbon, Yongsung, Miyoung Song, Leoch Battery, CP Việt Nam…  

Là một trong những địa phương có vị trí địa lý khá thuận lợi, tiếp giáp 2 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai, dễ hiểu vì sao Bình Phước đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến như vậy, và vì thế, họ đã cam kết vào đây tới tỷ USD.

Nhưng thực tế, Bình Phước không phải là địa phương duy nhất nhận được các cam kết tỷ USD của các nhà đầu tư. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, thậm chí, con số mà các địa phương khác nhận được còn lớn hơn nữa.

Ví như Bạc Liêu, hồi đầu năm nay cũng đã nhận được một dòng vốn đầu tư mang tính “kỷ lục”. Con số được nhắc đến là 110.000 tỷ đồng. Trong đó, có dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn SP (Hàn Quốc), với tổng vốn đầu tư dự kiến là 450 triệu USD. 

Hay mới đây nhất, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Cần Thơ, diễn ra vào ngày 10/8/2018, Cần Thơ cũng đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, vốn cam kết khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến vào các dự án này lên tới 85.000 tỷ đồng. 

Cũng kể từ đầu năm tới nay, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định đầu tư cho 22 dự án, trao chủ trương cho 9 dự án với tổng vốn khoảng 16.000 tỷ đồng.

Con số ở tỉnh Sóc Trăng là 122.880 tỷ đồng (tương đương gần 5,4 tỷ USD), ở Thái Nguyên là 46.785 tỷ đồng… Tuy nhiên, “khủng” nhất phải là con số gần 400.000 tỷ đồng (tương đương 17 tỷ USD) được công bố tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển của Hà Nội. 

Các cam kết đầu tư khủng trên là minh chứng cho thấy sự thành công của các hội nghị xúc tiến đầu tư, đồng thời cũng khẳng định sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, đằng sau các cam kết đầu tư khủng đó là gì?

Nỗi lo dự án trên giấy

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Phước, một mặt chúc mừng khoản cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Phước là “rất ấn tượng”, song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ băn khoăn rằng: “Giữa giấy phép và hành động có đi vào thực tế không, có nhanh không?”. Thủ tướng đã yêu cầu những dự án, giấy phép này “không được nằm trên giấy”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh điều này. Năm ngoái, khi tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hậu Giang, Thủ tướng đã nói: “Ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít”, khi có những băn khoăn về việc các cam kết đầu tư vào Hậu Giang còn chưa nhiều.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, chuyện “cam kết khủng, nhưng chỉ ở trên giấy” được nhắc đến. Ở hầu hết các hội nghị xúc tiến đầu tư, năm này qua năm khác, các cam kết khủng luôn được đưa ra, nhưng bao nhiêu chủ trương đầu tư biến thành giấy chứng nhận đầu tư thực sự, và bao nhiêu dự án được cấp chứng nhận đầu tư được triển khai trong thực tế thì lại là một câu chuyện khác.

Ngay như ở Bình Phước, Dự án Liên hợp khu công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước đã luôn được đánh giá cao và gần đây, tiến độ triển khai Dự án đã được cải thiện, nhiều dự án đầu tư thứ cấp cam kết đầu tư vào đây (tháng 3/2018, đã có 5 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc khởi công xây dựng và được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 80 triệu USD).

Song đến nay, sau 3 năm rót vốn đầu tư, Dự án vẫn đang chậm tiến độ, phần lớn diện tích đất trong quy hoạch chưa giải phóng xong mặt bằng.

Đầu năm nay, Nghệ An đã có buổi gặp mặt các nhà đầu tư. Tại đó, 26 dự án đã được trao chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ, với tổng vốn trên 13.152 tỷ đồng.

Sau Hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã “hối thúc”, các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, chậm nhất đến ngày 20/6/2018 phải khởi công xây dựng. Tuy nhiên, ngoài Dự án Khu công nghiệp Hermaraj được khởi công, thì chưa nhiều dự án trong số này được đưa vào “bệ phóng”.

Ở Nghệ An cũng có một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư từ rất lâu, là Dự án Thép Kobelco, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Dự án “cùng lứa” với khá nhiều dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư trong giai đoạn 2007 - 2010, đăng ký thì lớn nhưng èo uột triển khai.

Năm 2007, thậm chí có tới 72 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, nhưng quá nửa là các dự án tỷ USD diện ảo, mà đến nay đã bị thu hồi.

Đây cũng chính là lý do để các chuyên gia cho rằng, tổng kết 30 năm thu hút FDI là cơ hội rất lớn để Việt Nam loại bỏ bớt những con số ảo, dự án ảo, đăng ký đầu tư hàng tỷ USD nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục