Cam kết liêm chính của Chính phủ

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ kiên quyết hành động vì một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính vì sự phát triển của người dân, của doanh nghiệp.     

Lần đầu tiên, cũng trước Quốc hội, Thủ tướng đã cam kết trong diễn văn nhậm chức cách đây 7 tháng. Lần này là ở vị trí người đứng đầu Chính phủ trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý cán bộ, xử lý nợ xấu, vấn đề nợ công… Và lần này, các cam kết của Thủ tướng Chính phủ được thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn.

Nhắc tới Chính phủ kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng nói sẽ hành động để tạo niềm tin cho người dân, vì nhân dân mà sẽ loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy; quyền lực sẽ được kiểm soát chặt chẽ; sẽ có cơ chế để cán bộ không dám, không nên và không muốn tham nhũng, sách nhiễu; hạn chế tối đa cơ chế xin - cho…

Cam kết liêm chính của Chính phủ  ảnh 1

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ kiên quyết hành động vì một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính vì sự phát triển của người dân, của doanh nghiệp 

Thủ tướng cũng đã nói, Chính phủ đang là một tập thể thống nhất, các thành viên Chính phủ có thể như ngón dài, ngón ngắn, nhưng đều chung một bàn tay, quyết tâm thực hiện các nghị quyết của Đảng, cam kết Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Và Chính phủ cần sự giám sát của Quốc hội, của người dân, xã hội để đạt được các cam kết này.

Đây chính là những điều cử tri cả nước rất muốn nghe từ người đứng đầu Chính phủ vào thời điểm hiện nay. Vì khi Chính phủ chọn vai kiến tạo phát triển, khi công chức nhà nước chọn vai phục vụ, người dân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ là động lực của sự phát triển. Cả xã hội đang muốn củng cố, thúc đẩy và lan rộng niềm tin này.

Chất lượng cán bộ, công chức và quy trình quản lý, bổ nhiệm cán bộ vẫn đang còn treo nhiều câu hỏi lớn.

Ghi nhận những nỗ lực, hành động liên tục, với áp lực rất mạnh từ người đứng đầu Chính phủ trong 7 tháng qua, nhưng cử tri cả nước vẫn chờ đợi những kết quả tích cực hơn trong mọi mặt của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam dù có tăng điểm, nhưng vẫn chưa có giải pháp đột phá nào để bứt hẳn lên, để vượt qua được vị trí nhóm cuối bảng trong khu vực ASEAN.

Mục tiêu áp đặt kỷ luật thị trường với doanh nghiệp nhà nước dường như vẫn đang có những rào cản khó gỡ, khiến nỗi lo khó xác định trách nhiệm trong những dự án ngàn tỷ đắp chiếu vẫn rất lớn.

Không những thế, khi khu vực này chưa tuân thủ nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu, thì những lấn cấn trong thực hiện mục tiêu tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ khó giải tỏa trong thời gian ngắn.

Chất lượng cán bộ, công chức và quy trình quản lý, bổ nhiệm cán bộ vẫn đang còn treo nhiều câu hỏi lớn khi bức tranh về tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều điểm tối…

Phải thẳng thắn rằng, một khi kỷ cương, kỷ luật công chức không được rốt ráo, chất lượng và trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước không được cải thiện mạnh mẽ, rất nhiều mục tiêu, thì giải pháp của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, của Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ khó đi đúng hướng, khó thực hiện đúng thời điểm.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi (thực ra là mong mỏi của người dân) rằng, bao giờ Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu mà đại biểu Quốc hội đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong buổi chất vấn tuy khó trả lời, song niềm tin để cùng thực hiện mục tiêu này đang rất lớn.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục