Cầm cố sổ đỏ không đứng tên mình có đúng quy định?

(ĐTCK) Năm 2015, anh trai tôi nói dối cha mẹ tôi để mượn sổ đỏ đi làm giấy tờ nhưng thực ra là mang đi cầm đồ. Sổ đỏ đứng tên cha mẹ tôi. Anh trai tôi đã mang đi cầm cố lấy 40 triệu đồng. Hàng cầm đồ đã cho người đến tìm đòi nợ gia đình tôi. Xin hỏi, đối với trường hợp của anh tôi không đứng tên trong sổ đỏ nhưng lại mang đi cầm cố như thế có vi phạm không? Giao dịch đó có đúng quy định pháp luật?
Cầm cố sổ đỏ không đứng tên mình có đúng quy định?

Trả lời:

Điều 128, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Theo đó, giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Theo quy định tại Điều 137 của Bộ luật Dân sự 2005, thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy, hành vi lấy sổ đỏ gia đình đi cầm cố của anh trai bạn mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu (cha mẹ bạn) là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 188, Luật Đất đai 2013, quy định: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi đất có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1, Điều 168 của Luật Đất đai. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Theo Thông tư số 33/2010/TT- BCA của Bộ Công an về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.

Như vậy, việc cửa hàng cầm đồ nhận cầm đồ đối với tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba mà không có giấy ủy quyền hợp lệ là vi phạm quy định pháp luật. Gia đình bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự giữa anh trai bạn và người đang giữ sổ đỏ của gia đình bạn là giao dịch dân sự vô hiệu. Anh trai bạn và bên nhận cầm đồ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Luật gia Nguyễn Văn Khôi, Chuyên viên Tư vấn pháp luật - Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục