
Ăn theo thị trường
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng ngày 14/4, CTCK Trường Sơn (TTS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng (NH) Liên Việt để hỗ trợ vốn cho NĐT. Ông Phạm Ngọc Thắng, Tổng giám đốc TSS cho biết, giá trị cầm cố lên đến 50% thị giá cổ phiếu và lãi suất khá ưu đãi.
Đã triển khai dịch vụ cầm cố trong một thời gian dài, thời điểm này CTCK Dầu khí (PVS) cũng đẩy mạnh hơn việc cho vay cầm cố. Hiện công ty này hợp tác với nhiều tổ chức tín dụng để cho vay đầu tư chứng khoán. Tùy vào từng đối tác mà danh mục, giá trị và lãi suất cầm cố chứng khoán tại PVS là khác nhau. Điều đáng nói là tại PVS không có hạn mức tối đa cho việc cầm cố, lãi suất 10,5%/năm. Ngoài ra, PVS cũng triển khai dịch vụ repo, tuy nhiên chỉ áp dụng cho các cổ phiếu NH như MB, Eximbank… Với các cổ phiếu này, Công ty thực hiện repo lô lớn (tối thiểu 20.000 đơn vị) với giá bằng mệnh giá. Nếu cổ phiếu xuống sát với giá repo thì PVS sẽ cảnh báo để NĐT nộp thêm tài sản đảm bảo.
Tại CTCK Gia Quyền (EPS), NĐT có thể sử dụng các dịch vụ cho vay cầm cố và ứng trước tiền bán chứng khoán do EPS phối hợp với các NH đối tác cung cấp. Với dịch vụ cầm cố, NĐT có thể sử dụng chứng khoán niêm yết cũng như chưa niêm yết trong danh sách chấp nhận làm tài sản cầm cố cho các khoản vay đầu tư.
Thời gian qua, CTCK Bảo Việt (BVSC) đã hợp tác với nhiều NH, trong đó có NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhằm cung cấp nguồn vốn cho khách hàng, bằng việc thế chấp chứng khoán trong tài khoản giao dịch. Hình thức cho vay là khách hàng ký hợp đồng vay cầm cố chứng khoán với NH trực tiếp tại quầy giao dịch của BVSC. Hiện BVSC nhận cầm cố tổng số 23 mã chứng khoán niêm yết trên cả 2 sàn, phần lớn là các mã blue-chip như FPT, VIC, REE… Nếu cổ phiếu có thị giá từ 30.000 đồng/CP trở lên, giá trị cầm cố sẽ là 50%, từ 20.000 đến 25.000 đồng/CP sẽ được cầm cố 8.000 đồng/CP, từ 16.000 đến dưới 20.000 đồng/CP sẽ được cầm cố 7.000 đồng/CP, từ 25.000 đến 30.000 đồng/CP được cầm 10.000 đồng/CP. Hạn mức tối đa BVSC và NH đối tác có thể cung ứng là 5 tỷ đồng và thời hạn vay là 3 tháng.
CTCK VNDirect cũng bắt tay với BIDV để cầm cố cổ phiếu với lãi suất 0,03%/ngày. Thực tế, VNDirect chỉ làm trung gian để thu xếp khách hàng đến với NH. Mọi thủ tục do NĐT trực tiếp làm với NH, phía CTCK chỉ phong tỏa chứng khoán và giám sát việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngay tại trụ sở của Công ty là phòng giao dịch của BIDV giúp khách hàng thực hiện dịch vụ này.
Trên hết là an toàn
Áp lực giải chấp trong giai đoạn thị trường bắt đầu suy giảm mạnh hồi đầu năm 2008 có lẽ vẫn ám ảnh không ít CTCK và NH. Nhưng có nhiều lý do để các đơn vị này mở lại dịch vụ trên. Trước hết là xuất phát từ nhu cầu NĐT tăng lên cùng với xu hướng thị trường, thứ nữa là giá cổ phiếu đã xuống khá thấp, nên việc cầm cố, repo trở nên an toàn hơn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là nguồn tiền từ các NH đang khá dồi dào.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc phụ trách phòng giao dịch và dịch vụ chứng khoán Chi nhánh Hà Thành, BIDV cho biết, hiện đã dành cho BVSC, SSI mỗi công ty hạn mức 100 tỷ đồng cho vay cầm cố chứng khoán. Ông Cường cho biết, BIDV đưa ra nhiều biện pháp quản lý rủi ro với khoản vay này. Ngoài việc phân loại rất cụ thể từng loại cổ phiếu được cầm cố, NH cũng đưa ra tỷ lệ cảnh báo và xử lý. Nếu cổ phiếu giảm giá 30% so với giá tại thời điểm thực hiện cầm cố, NĐT sẽ phải nộp tài sản đảm bảo (tiền hoặc chứng khoán). Nếu quá 3 ngày NĐT không thực hiện, phía NH và CTCK sẽ bán cổ phiếu để tất toán khoản vay.
Thị trường đang trong xu hướng đi lên dựa trên sự phấn khích của NĐT trong nước. Về phía NH, sau khi đẩy mạnh cho vay hỗ trợ lãi suất theo chủ trương kích cầu của Chính phủ khiến tăng trưởng tín dụng mở rộng, từ đó room cho vay đầu tư chứng khoán cũng được nâng lên. Điều này khiến nhiều NH đã nhập cuộc cho vay đầu tư chứng khoán. Theo ghi nhận của ĐTCK, đa số NH đều cho NĐT vay từ 20 đến 50% thị giá cổ phiếu trong khoảng thời gian không dài. Theo các NH, khả năng VN-Index về dưới 300 điểm vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, với quy định về tỷ lệ xử lý khá khắt khe (cho vay thấp nhưng giá giảm 30% đã phải xử lý), thì việc cho vay cầm cố hiện được đánh giá là khá an toàn.
Thị trường lên điểm có bền vững hay không là câu hỏi không dễ trả lời trong lúc này. Tuy nhiên, trong khi hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán của các NH được giám sát khá chặt bởi quy định của NHNN thì hoạt động cầm cố, repo, ứng trước của CTCK lại chưa được điều chỉnh bởi một quy định nào. Mặc dù không trực tiếp cho vay nhưng những hướng dẫn thống nhất, cụ thể từ UBCK về cách thức phối hợp với các tổ chức tín dụng và NĐT để thực hiện những nghiệp vụ kể trên là mong mỏi của CTCK. Và cũng vì chưa có quy định cụ thể nên không ít CTCK đã né tránh trả lời khi được hỏi về dịch vụ kể trên, mặc dù họ rất muốn quảng bá dịch vụ này đến NĐT.