Cake by VPBank: Điển hình thành công của ngân hàng số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới ra mắt được 15 tháng, Cake by VPBank (Cake) đã có hơn 1,6 triệu người dùng. Cake thành công nhờ tháo bỏ mọi rào cản tiếp cận dịch vụ ngân hàng với phương châm Đơn giản - Nhanh chóng - Đáng tin cậy.
Cake by VPBank dẫn đầu thị trường ngân hàng số tại Việt Nam về lượng khách hàng. Cake by VPBank dẫn đầu thị trường ngân hàng số tại Việt Nam về lượng khách hàng.

Fintech Việt: Bắt kịp tốc độ của thế giới

Trải qua gần bốn thập kỷ tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo cáo “e-Conomy SEA 2021” do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015.

Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do hãng tư vấn Alpha Beta phát hành tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Google tổ chức vào tháng 10/2021) đã nhận định, công nghệ số có thể đem lại nguồn thu hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam năm 2020, nếu được tận dụng tối đa.

Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) được coi là một giải pháp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới chưa được kiểm chứng hoặc dự liệu bởi các quy định pháp luật. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC).

Ảnh tác giả

Tôi tin rằng, việc các Fintech Việt Nam tham gia vào lĩnh vực số hóa ngân hàng sẽ thúc đẩy các giải pháp tài chính sáng tạo, đồng thời giúp phổ cập tài chính tiêu dùng đến đa dạng đối tượng người dân trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Quang, CEO Ngân hàng số Cake by VPBank

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Nội dung của Nghị định dự kiến sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.

Bối cảnh thị trường Việt Nam đã có nhiều thuận lợi cho Fintech, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng số phát triển. Trong vài năm gần đây, sự hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty Fintech được đẩy mạnh, giúp việc ứng dụng, phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại nhanh hơn rất nhiều so với vài năm trước. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội để tạo ra lợi thế cho mình và Cake đại diện tiêu biểu, đi đầu về ngân hàng số tại Việt Nam với nhiều điểm nổi trội.

Hành trình vạn dặm từ những bước đi nhỏ

Ngân hàng số Cake được ra mắt vào tháng 1/2021 nhờ sự hợp tác giữa Công ty TNHH BeFinancial (một thành viên của Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be) và VPBank. Đây là ứng dụng ngân hàng cho phép người sử dụng mở tài khoản, thực hiện các thao tác chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, ứng lương, cho vay tiêu dùng, thậm chí là đầu tư vi mô… hoàn toàn trực tuyến chỉ với vài lượt chạm.

Điểm khác biệt lớn của Cake so với các ngân hàng số khác chính là Cake được vận hành bởi một công ty công nghệ, thay vì một ngân hàng truyền thống.

Sau hơn 3 năm lăn bánh, Be đã vươn mình thành hệ sinh thái công nghệ mở. Bên cạnh dịch vụ gọi xe, giao hàng, Be phát triển thêm các lĩnh vực mới gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của người Việt, như giao đồ ăn, mua vé máy bay, nạp tiền điện thoại, 3G, 4G, bảo hiểm…, thậm chí bán cả vé số trực tiếp.

Đây chính là lợi thế đòn bẩy giúp Cake nhanh chóng tiếp cận và thu hút được tệp khách hàng trẻ trung, năng động tại các đô thị lớn - những người mà cuộc sống gắn liền với những giao dịch số diễn ra liên tục từ lúc người dùng thức dậy cho đến khi đi ngủ lúc nửa đêm.

Không dừng ở đó, từ kinh nghiệm phục vụ nhóm khách hàng trẻ của Be, Cake nhanh chóng mở rộng được tệp khách hàng của mình đến đối tượng mục tiêu là thế hệ Gen Z và Millennial trên toàn quốc, với con số khách hàng tăng trưởng nhanh chóng qua từng tháng.

Đến nay, Cake đã có lượng người dùng đông đảo là 1,6 triệu khách hàng, song song với đó là doanh thu tăng thêm 127 lần chỉ sau hơn một năm ra mắt.

Sáng tạo để tăng tốc

Theo khảo sát chỉ số tiêu dùng tương lai của Ernst & Young toàn cầu, 43% số người tham gia khảo sát cho biết cách thức họ sử dụng các dịch vụ tài chính đã thay đổi do đại dịch Covid-19; 57% sử dụng tiền mặt ít hơn trong thời gian giãn cách; 20% dự kiến sẽ sử dụng ít tiền mặt và dịch chuyển lên các kênh thanh toán trực tuyến trong những năm tới. Các kênh thanh toán trực tuyến cũng chứng kiến sự bùng nổ về khối lượng giao dịch, với mức độ sử dụng tăng đến 14% chỉ 3 tháng sau khi đại dịch khởi phát tại Trung Quốc.

Bắt kịp với xu hướng này, Cake đã và đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tối ưu hóa sản phẩm dịch vụ, quy trình nội bộ và hoạt động nghiệp vụ. Theo đó, tốc độ ra sản phẩm nhanh, mau chóng hoàn thiện được dải sản phẩm đa dạng.

Cụ thể hơn về những sản phẩm đầy sáng tạo là Cake Super, cho phép người dùng tự động chia tài khoản thanh toán thành những tài khoản tiết kiệm 200.000 đồng, giúp khách hàng tối đa lãi suất tiền trong tài khoản gấp 18 lần thị trường.

Cake cũng cung cấp gói cho vay tiêu dùng dành cho tài xế công nghệ hoàn toàn trực tuyến. Chỉ với vài lượt chạm, tài xế đã có thể đăng ký khoản vay, nhận về kết quả phê duyệt trong vài phút và tiền được giải ngân chỉ sau 1 ngày làm việc. Nhờ ứng dụng AI và Big Data, các tài xế không cần thế chấp tài sản, không cần cung cấp thêm giấy tờ chứng minh thu nhập hay phải gặp trực tiếp nhân viên ngân hàng để được giải ngân.

Dựa vào thế mạnh xử lý những công nghệ mới này, Cake đang tiếp tung ra các sản phẩm vay tiêu dùng dành cho khách hàng đại chúng, như vay ứng lương, vay tiêu dùng nhanh…, mà khách hàng chỉ cần vài thao tác trực tuyến đơn giản để hoàn thành hồ sơ vay. Đây chính là trải nghiệm hoàn toàn khác biệt mà fintech Việt này mang đến cho khách hàng của mình.

Mới đây nhất, Cake vừa phối hợp cùng Dragon Capital tung ra sản phẩm đầu tư vi mô, cho phép người dùng tham gia thị trường đầu tư chỉ với 10.000 đồng. Sản phẩm được đánh giá sẽ mở ra làn sóng cho xu hướng đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là đối với các nhà đầu tư thế hệ trẻ như Gen Z và Milennials.

Được biết, dù mới ra đời từ tháng 1/2021, nhưng Cake có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu của các ngân hàng số tại Việt Nam. Sau khi phối hợp cùng Mambu chuyển đổi thành công core banking, Cake lại tiếp tục công bố hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán Radar Payments của BPC nhằm mở rộng dịch vụ, cung cấp đầy đủ các sản phẩm ngân hàng số.

Ông Nguyễn Hữu Quang, CEO ngân hàng số Cake by VPBank, tiết lộ: “Chiến lược của Cake là kết hợp cùng các fintech hàng đầu như Mambu, Radar Payments… để tận dụng công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới. Nhờ đó, Cake chỉ mất một vài tháng để cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng. Điều này cho phép chúng tôi đầu tư nhiều hơn vào con người, sản phẩm và hoạt động tiếp thị, thay vì phải tập trung quá nhiều vào quy trình phát triển”.

Cake by VPBank là minh chứng cho sự đúng đắn của ngân hàng số và sẽ là mô hình quản lý tài chính cá nhân của tương lai và hành trình phát triển Cake cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể hòa nhập nhanh vào xu hướng tài chính thế giới, mở ra những dịch vụ đầy tiềm năng cho thị trường gần 100 triệu dân đang có tốc độ số hóa đáng kỳ vọng.

Hai “kỷ lục” mà CAKE đang nắm giữ:

- Ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam có được 1,6 triệu khách hàng chỉ sau 15 tháng ra mắt (tính đến tháng 4/2022).

- Ngân hàng đầu tiên tại châu Á - Thái Bình Dương đạt kỷ lục chuyển đổi core banking chỉ trong 74 ngày.

Hoàng Tuấn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục