“Nỗi đau” của ông Thứ trưởng
Chuyện diễn ra bên lề một cuộc thảo luận về cắt giảm điều kiện kinh doanh hồi cuối năm 2018, giữa thứ trưởng một bộ và ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
“Anh có biết chúng tôi đau thế nào khi anh ép phải cắt bỏ công việc của mình không? Ông ấy đã nói như vậy khi chúng tôi đề xuất danh mục điều kiện kinh doanh cần phải cắt bỏ, chứ không phải chỉnh sửa”, ông Cung kể khi chia sẻ quan điểm về việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Sự chủ động sẽ buộc các bộ, ngành phải vào cuộc thực sự, nhất là những người đứng đầu, vì sẽ không có lý do nào bào chữa cho sự chậm trễ như trước, theo kiểu CIEM không hiểu quản lý ngành nên đề xuất cắt bỏ không chính xác...
- TS. Nguyễn Đình Cung
Những năm trước, ông Cung và đồng sự tại CIEM là “khắc tinh” của nhiều bộ, ngành khi liên tục đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành. Không chỉ vậy, việc CIEM công khai các điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành sửa đổi với mục đích tránh gây sự chú ý, chứ không có ý nghĩa cải cách hay lồng ghép các điều kiện kinh doanh vào quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thay vì quy định cụ thể..., khiến nhiều lãnh đạo bộ, ngành không hài lòng.
“Không phải chỉ một, mà nhiều bộ, ngành bị ép mà làm, dù các bộ đều đã vào cuộc, chứ không chỉ một mình Bộ Công thương như năm 2017”, ông Cung nhận định.
Kết quả là sau 5 năm thực hiện các phiên bản của Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ có khoảng 30% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ, sửa đổi có tác động thực chất trong tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhiều điều kiện kinh doanh được đặt ra ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của bộ quản lý”...
Cuộc đấu trí nội bộ
Theo yêu cầu của Nghị quyết 02/NQ-CP, các bộ, ngành sẽ phải trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III/2019. Khác với các nghị quyết 19 trước, Chính phủ giao quyền chủ động cho các bộ, ngành trong việc lên kế hoạch, giải pháp thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay những chậm trễ, sai lệch, biến tướng và những vấn đề mới phát sinh.
“Sự chủ động sẽ buộc các bộ, ngành phải vào cuộc thực sự, nhất là những người đứng đầu, vì sẽ không có lý do nào bào chữa cho sự chậm trễ như trước, theo kiểu CIEM không hiểu quản lý ngành nên đề xuất cắt bỏ không chính xác...”, ông Cung nói.
Vị trí hàng đầu của Bộ Công thương trong 2 năm qua (2017 - 2018) về cắt giảm điều kiện kinh doanh là ví dụ cho sự chủ động này.
Trước đó, Bộ Công thương luôn được nhắc đến như một điển hình của sự chậm trễ, thờ ơ trong các kế hoạch này, bất kể các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay kinh doanh gas khản cổ kêu gào đi chăng nữa. Đến tháng 9/2017, sau tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công thương về 5 nguyên tắc cơ bản trong rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh, mọi hoạt động trong nộ bộ trở nên rõ ràng. Vài tháng sau đó, ngày 15/1/2018, Nghị định 08/2018/NQ-CP về cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh do Bộ Công thương quản lý được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Cho đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn là bộ có kết quả được đánh giá là thực chất nhất.
“Nhiều người nói Bộ Công thương ‘làm màu’, nhưng những kết quả đánh giá của chúng tôi khẳng định là họ làm thật, cho dù chưa thực sự như mong muốn, nhưng nhiều phần việc đem lại lợi ích cho cán bộ đã bị cắt bỏ. Nếu không có sự quyết tâm của người đứng đầu, sẽ khó làm được việc này”, ông Cung nhận định.
Trách nhiệm của người đứng đầu, theo ông Cung, sẽ là chìa khóa để mở các cuộc đấu trí căng thẳng trong các bộ, ngành khi thực hiện rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa và thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong năm 2019.
Năm nguyên tắc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương
Một là, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh;
Hai là, tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
Ba là, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư 2014;
Bốn là, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện;
Năm là, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.