Cải thiện môi trường kinh doanh, “dưới vẫn lạnh”

(ĐTCK) Mặc dù Chính phủ quyết liệt hiện thực hóa chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương vẫn vào cuộc chậm chạp.
Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính

Theo kết quả khảo sát mới nhất từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tính đến hết quý I/2018, mặc dù có 738 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và đơn giản hóa (trong đó có 675 điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, 52 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông), song Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vừa được ban hành dường như lại đi ngược quỹ đạo cắt giảm khi đơn giản hóa được 11 điều kiện kinh doanh thì lại bổ sung tới 115 điều kiện so với quy định trước.

“Chính phủ dù muốn thúc mạnh cải cách cũng chưa chắc đã được, vì phụ thuộc vào việc làm luật và xây dựng khung pháp lý, mà chất lượng và cách làm luật hiện nay là đáng lo ngại”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM băn khoăn khi đề cập đến câu chuyện hoàn thiện khung thể chế luật pháp.

Ông Cung cho biết, nhiều doanh nghiệp phàn nàn phải mất đến 6 - 7 tháng vẫn không xin được giấy phép kinh doanh. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng vẫn hành xử theo kiểu bắt bẻ doanh nghiệp, "vài hôm lại gọi lên sửa giấy phép, nay sửa vài từ, mai lại sửa mỗi dấu phẩy, gây ức chế và rất mất thời gian cho doanh nghiệp".

Theo người đứng đầu CIEM, điều này đã phản ánh rõ một thực trạng nhức nhối hiện nay là dù mục tiêu của Chính phủ là quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, quản lý chuyên ngành, song nhiều cơ quan không những không cắt giảm, mà còn “đẻ” thêm.

Theo CIEM, hiện mới chỉ có Bộ Công thương đã ban hành nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định. Bộ Giao thông – Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp tuy đã có Dự thảo Nghị định nhưng chưa trình Chính phủ.

Còn phần lớn các bộ còn lại vẫn đang trong giai đoạn rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng dự thảo Nghị định. Thậm chí, một số bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đến nay còn chưa có phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Mặt khác, một vấn đề đặt ra là qua rà soát những phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, mà nhiều bộ, ngành đề xuất cho thấy, nhiều điều kiện kinh doanh của nhiều bộ, ngành đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa chưa thực chất, như gộp nhiều điều kiện kinh doanh trong một điều kiện kinh doanh, hay chỉ là thao tác gạch một vài từ, cụm từ trong điều kiện kinh doanh.

Vì vậy, theo ông Cung, song song với việc rà soát cắt giảm thì công tác giám sát việc thực hiện yêu cầu cắt giảm cũng cần được tăng cường để đảm bảo việc cắt bỏ đơn giản hóa thực sự đạt chất lượng yêu cầu, chứ không phải mang tính hình thức, đối phó.

Đồng tình với việc cần tăng cường giám sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, không giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này.

“Những ông nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các bộ phận độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần tích cực tham vấn doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan”, ông Tuấn đề xuất.

Đánh giá về mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh trong năm 2018 đưa ra tại Nghị quyết 19/2018, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là mục tiêu không dễ dàng, nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực.

“Nếu các bộ thực sự tích cực rà soát hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi điều kiện kinh doanh thì vẫn có thể kịp ban hành trước ngày 31/10/2018 theo hạn chót đặt ra tại Nghị quyết 19. Nếu thực hiện được điều này thì ước tính sẽ cắt giảm được 1.968 điều kiện kinh doanh, là một khối lượng rất lớn”, ông Cung tính toán.

Để đạt được điều này, đại diện CIEM cho rằng sự nỗ lực và quyết tâm trước hết phải quyết liệt từ đích thân người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương bởi một khi người đứng đầu càng sâu sát, quyết liệt bao nhiêu thì khả năng thành công càng cao. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt nhũng nhiễu cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu.          

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục