“Cải tạo” HĐQT, tìm đâu người tâm huyết?

(ĐTCK) Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày thỏa thuận mua quyền biểu quyết giữa NĐT và vị cổ đông lớn (hiện là Phó chủ tịch HĐQT của DN niêm yết) có hiệu lực, ông G. vẫn chưa nhận được tiền mua quyền biểu quyết.
“Cải tạo” HĐQT, tìm đâu người tâm huyết?

“Cải tạo” HĐQT, tìm đâu người tâm huyết? ảnh 1HĐQT tốt là một trong những tiêu chí quan trọng để các quỹ lựa chọn danh mục đầu tư

 

Từ một câu chuyện từng ầm ĩ

Giữa năm 2012, cộng đồng nhà đầu tư (NĐT) “dậy sóng” với thông tin rao mua 1 tỷ đồng cho 1 triệu quyền biểu quyết của 2 nhóm cổ đông tại một DN niêm yết trên HOSE. Nhiều cổ đông cảm thấy vui sướng vì vừa được hưởng lợi từ tăng giá cổ phiếu (xấp xỉ 50% chỉ trong vài tháng), lại vừa được hưởng tiền bán quyền. Nhưng giờ đây, nhắc đến câu chuyện này, một NĐT tên G. cho biết, ông cảm thấy mình như bị lừa.

Cách đây gần 1 năm, ông được một cổ đông lớn của DN đề xuất mua quyền biểu quyết tại DN với mức giá 1 tỷ đồng cho 1 triệu quyền biểu quyết tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên. Giá cổ phiếu đang trên đà đi lên, bản thân ông cũng bị thuyết phục bởi những lời hứa về khả năng thay đổi trong quản trị tại DN, tái cơ cấu tài sản và bùng nổ trở lại nếu vị này “vào” được HĐQT. Ông và nhiều cổ đông tổ chức đã đồng ý.

Tại Đại hội, dù nắm 18% vốn điều lệ tại DN, vị cổ đông mới này vẫn nghiễm nhiên phủ quyết toàn bộ những nội dung đề xuất (không giống ý ông) của cổ đông nhà nước, bởi trong tay còn có lá phiếu của hơn 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết (đưa tổng số quyền biểu quyết của ông lên hơn 40%).

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của các NĐT đã bán quyền và những người đã ủng hộ vị cổ đông lớn kia đã không thành hiện thực.

Đầu tiên là việc bị quỵt tiền mua quyền biểu quyết. Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày thỏa thuận mua quyền biểu quyết giữa NĐT và vị cổ đông lớn (hiện là Phó chủ tịch HĐQT của DN niêm yết) có hiệu lực, ông G. vẫn chưa nhận được tiền mua quyền biểu quyết.

“Gọi điện thoại cho trợ lý thân cận của ông ấy thì được trả lời là sẽ trả tiền sớm. Còn ông ấy thì lặn mất tăm, không nghe điện thoại hay trả lời tin nhắn, dù trước đó ông ấy đã không biết bao nhiêu lần trực tiếp gặp gỡ, điện thoại nhờ vả. Không lẽ tôi lại làm to chuyện?”, NĐT G. chia sẻ.

Không chỉ “quỵt” tiền mua quyền biểu quyết, khi thuyết phục các NĐT lớn bên ngoài ủng hộ mình, vị Phó chủ tịch HĐQT nói trên còn đưa ra một tương lai sáng lạn về DN (nếu ông tham gia quản trị), với việc đẩy nhanh tiến độ dự án, bán sỉ một phần dự án để thu lời và giúp DN có tiền làm hàng loạt dự án khác. Nhưng, thực tế là, gần 1 năm nay kể từ khi tham gia vào HĐQT, DN chưa hề có tiến triển gì về tình hình tái cơ cấu tài sản ngoài việc DN tiếp tục lỗ lớn. Bản thân vị Phó chủ tịch HĐQT thì liên tục đăng ký bán cổ phiếu ra.

 

Tìm đâu người đại diện tâm huyết

Tố chất cần có của thành viên HĐQT bao gồm: năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, có quan hệ rộng, có đạo đức nghề nghiệp, không có mẫu lợi ích với DN… Tiêu chuẩn là vậy, nhưng làm sao để phát hiện được người đáp ứng các tiêu chuẩn đó, nhất là về mặt đạo đức và phòng ngừa được khả năng phát sinh các mâu thuẫn lợi ích giữa DN và thành viên HĐQT, chủ yếu được phát hiện sau khi đã xảy ra các vấn đề phát sinh.

Trong thời gian vừa qua, sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý về việc kiên quyết xử phạt các trường hợp DN không đáp ứng đủ số thành viên HĐQT độc lập trong HĐQT, nhiều ý kiến cho rằng, nên hướng tới việc có một nghề mới trong xã hội là nghề làm… thành viên HĐQT/thành viên HĐQT độc lập. Việc hoạt động như một nghề nghiệp chuyên môn có thể sẽ giúp thành viên HĐQT có kỹ năng, kinh nghiệm và tăng tính độc lập hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi ý tưởng trên thành hiện thực, vẫn có những rủi ro có thể xảy ra.

Giám đốc một quỹ đầu tư cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn đầu tư mới hoặc giữ danh mục đầu tư của quỹ là DN phải có HĐQT tốt. Yếu tố tốt ở đây là: HĐQT phải là một tập thể vững chắc, bao gồm những người gắn bó với DN (cả về thời gian làm việc, sở hữu), phải có cơ cấu thành viên HĐQT đủ đa dạng để tránh nguy cơ cấu kết, trục lợi; và phải đam mê cống hiến thực sự, có chuyên môn tốt. Vị này nhận xét: “Rất khó để… cải tạo HĐQT một DN, nếu nó đang quá nhiều bất ổn. Tốt hơn cả là hãy thoái danh mục đầu tư (nếu chẳng may sau đó phát hiện DN có HĐQT kém), tìm một điểm đến an tâm hơn”.

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục