Cải tạo chung cư cũ: Mở lối thoát để không “húc đầu vào tường”

(ĐTCK-online) Tổng kết 10 năm Hà Nội thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo hướng xã hội hóa, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phải thốt lên, “cải tạo chung cư cũ như húc vào tường”.
Nhiều khu chung cư cũ của Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng

Dân chây ỳ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 982 chung cư do Thành phố quản lý và 173 chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý. Trong số đó, có 456 khu cần cải tạo, nhưng thời điểm hiện tại gần như vẫn bất động khi mới chỉ có chưa đầy 1% được cải tạo, xây dựng lại, bên cạnh khoảng 10 khu nhà đang được khởi công.

Sự chậm chễ trong việc cải tạo, xây dựng mới này đến chủ yếu từ các hộ dân đang sinh sống trong các khu chung cư cũ. Điển hình là Khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ. Được thường trực UBND Thành phố chọn là dự án thí điểm thực hiện cải tạo từ năm 2002 để xây lại thành khu nhà ở mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhưng mãi đến tháng 4/2009, Thành phố mới có quyết định phê duyệt cơ chế, chính sách làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư khi giải phóng mặt bằng 2 khối nhà A1, A2 và phần diện tích quanh 2 khối nhà này để thực hiện xây nhà N3.

Tuy nhiên, dù chủ đầu tư đã chuẩn bị các nhà tạm cư đủ cho 199 hộ ở 2 khối nhà này và các hộ xung quanh, cũng như có phương án đền bù tốt hơn (diện tích tái định cư tối thiểu gấp 2,1 lần diện tích cũ), nhưng hiện vẫn còn 39 hộ chưa đồng thuận di dời với nhiều lý do. Trong đó, 19 hộ không chịu hợp tác, 17 hộ đưa ra những yêu cầu ngoài cơ chế đã được duyệt,  3 hộ đưa ra lý do anh em trong nhà không thống nhất.

Trước sự bất hợp tác trên, chính quyền quận và Thành phố đã chuẩn bị cho phương án cưỡng chế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này dự án vẫn chưa thể triển khai, ngay cả khi đã xin ý kiến Bộ Xây dựng.

 

Doanh nghiệp gặp khó

 

Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Chính phủ 8 nhóm đối tượng cụ thể cần hỗ trợ chỗ ở, gồm người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân lao động; học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...).

CTCP Đầu tư phát triển Gia Khang vừa đề xuất xin cải tạo lại 3 khu chung cư cũ là H1, H2 ở phố Kim Mã Thượng; Khu chung cư Nhà xuất bản Sự thật, ở số 10 Kim Mã Thượng và Khu chung cư Đại học Giao thông vận tải ở phố Kim Mã. Đây là 3 khu chung cư cũ của quận Ba Đình chưa có đơn vị nào đăng ký tham gia cải tạo, xây dựng lại.

Chưa biết DN sẽ phải thỏa thuận với dân như thế nào để có được sự đồng thuận, nhưng sự khó khăn là có thể dự báo trước. Ngay cả những đơn vị lớn như Vinaconex dù đã mất rất nhiều thời gian theo đuổi dự án cải tạo khu chung cư cũ Thanh Xuân Bắc, nhưng kết quả vẫn chưa ngã ngũ. Còn KTT Nghĩa Tân (Cầu Giấy), sau 5 năm và có đến 3 nhà đầu tư “xung phong” cải tạo, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở mức dự án nghiên cứu.

Phân tích nguyên nhân thất bại trong việc thỏa thuận giữa DN và người dân, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đó là xu thế tất yếu của thị trường, người bán có quyền ra giá, còn mua hay không là quyền của người có tiền. Còn theo lý giải của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thì việc người dân không muốn di dời vì tiếc “thương hiệu” hộ khẩu ở trung tâm.

 

Mở lối thoát

Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, để mở lối xây dựng lại chung cư cũ, phải xây dựng quy trình, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại. Hà Nội và TP. HCM sẽ làm điển hình để nhân rộng ra các đô thị trong toàn quốc.

“Nếu Nhà nước quyết liệt thực hiện thì sẽ hoàn thành trong 10 năm tới”, ông Dũng khẳng định và cho biết thêm, chung cư là của người dân, nếu người dân không tự nguyện xây lại thì Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng chứ không phải DN.

Ông Dũng cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục xây dựng chương trình cùng các cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển nhà ở. Ngoài ra, Bộ cũng đang soạn thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, trong đó Nhà nước là chủ đầu tư. Nếu người dân chấp thuận đến nơi ở mới thì sẽ được diện tích rộng hơn, còn nếu ở lại khu cũ thì diện tích căn hộ sẽ không được tăng. Khu đất của chung cư cũ sẽ được đấu giá hoặc xây nhà xã hội. Các địa phương hàng năm có trách nhiệm công bố những công trình nào phải di dân, chung cư nào nguy hiểm.

Châu Anh - Trọng Duy
Châu Anh - Trọng Duy

Tin cùng chuyên mục