Tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 1 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với kênh VITV tổ chức cuối giữa tuần qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 1.579 tòa chung cư cũ, trong đó 81% là các tòa nhà thuộc cụm chung cư. Tòa nhà đơn lẻ chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ có 19% với 306 tòa. Các tòa chung cư đã xuống cấp, hư hỏng có tổng diện tích lên đến 1,7 triệu m2, nhưng số lượng chung cư xuống cấp nguy hiểm đã cải tạo bằng cách xây mới chỉ có 14 tòa, chiếm 1%.
Từ năm 2007, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình chung cư cũ và chia làm 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 2007-2013, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm định 162 chung cư cũ. Giai đoạn sau năm 2014 cũng tiến hành rà soát thêm theo ý kiến đánh giá của chuyên gia.
Dựa trên kết quả rà soát, cơ quan quản lý phân loại ra các hạng các chung cư cũ theo 4 mức độ mức độ cấp thiết cải tạo. Hiện còn 4 chung cư cũ thuộc nhóm cấp độ D (cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể sập đổ bất kỳ lúc nào), trong đó có cả chung cư được xây dựng từ thời Pháp thuộc, tập trung ở phường Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình) và Tập thể Bộ Tư pháp.
Cũng theo ông Dũng, hiện có 18 chủ đầu tư đăng ký cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, trong đó có nhiều chủ đầu tư lớn như Việt Hưng, Vingroup, HUD, Vinaconex… Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho việc cải tạo chung cư cũ. Trong đó, công tác bố trí tạm cư là một trong những trở ngại lớn nhất.
Ông Nguyễn Chí Dũng nêu trường hợp một khu chung cư cũ cấp độ D cần cải tạo gấp, nhưng sau 10 năm vận động, mới có 50/150 hộ di dời.
Ngoài trở ngại về bố trí tạm cư, một trở ngại nữa gây khó khăn cho kế hoạch cải tạo chung cư cũ là quy định khống chế chiều cao, hạn chế mật độ dân số tại các dự án xây mới chung cư cũ.
Theo ông Dũng, ngân sách Nhà nước không có khả năng cải tạo số lượng chung cư lớn như vậy, nên phải huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Muốn doanh nghiệp tham gia, thì phải đảm bảo lợi nhuận cho các đơn vị này, trong khi đó, theo quy định hiện hành, việc cải tạo yêu cầu phải giữ quy mô dân số hiện hành. Thậm chí, khu vực trung tâm Hà Nội còn được yêu cầu giảm dân số từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người. Tuy nhiên thực tế, qua khảo sát của các nhà đầu tư, hiện dân số ở các khu vực này đã gấp đôi so với dân số quy hoạch chung và phân khu được duyệt.
Để gỡ khó cho kế hoạch cải tạo chung cư cũ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất cần điều chỉnh lại dân số, điều chỉnh lại quy hoạch, đáp ứng được việc tái định cư tại chỗ, ngoài ra còn dôi dư tài chính bù đắp cho dự án.
Ông Dũng cũng cho biết, UBND TP. Hà Nội đang xây dựng cơ chế riêng để cải tạo chung cư cũ, dự kiến đầu 2018, cơ chế này sẽ xây dựng xong.
“Cơ chế có một số nội dung mới, trong đó có một số nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ cần xin phép, như vượt khung về dân số, vượt khung về quy hoạch. Ngoài ra, còn có một số thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, của HĐND Thành phố, do đó, việc cải tạo chung cư cũ sẽ cần thực hiện những bước dài”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương 3 triệu m2 được xây dựng trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân sinh sống. Trong đó, Hà Nội chiếm trên 60%.
Chủ trương cải tạo xây dựng lại chung cư cũ đã có từ năm 2007, nhưng sau 10 năm thực hiện, kết quả rất hạn chế. Khó khăn chủ yếu là do tiến độ kiểm định chất lượng nhà chung cư còn chậm; các tòa chung cư trong một cụm thì phải xây dựng cải tạo theo dự án, không thực hiện đơn lẻ, nên phải chờ quy hoạch, dự án toàn khu, đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian dài, khó thực hiện; nhiều dự án có vị trí trung tâm bị hạn chế về quỹ đất, tầng cao, hệ số sử dụng đất...
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com