Cái giá của các doanh nghiệp cố “mông má” lên sàn

(ĐTCK) Không ít cổ phiếu giảm sàn ngay phiên giao dịch đầu tiên, nhưng trường hợp của IPH (CTCP In và phát hành biểu mẫu thống kê) quả là “hiếm có khó tìm”, khi “bốc hơi” tới... 164.400 đồng/cổ phiếu. 
Cái giá của các doanh nghiệp cố “mông má” lên sàn

Từ câu chuyện IPH

Top 10 cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay (tính đến phiên 17/7/2019) đều có thị giá từ 130.000 đồng/cổ phiếu trở lên.

Thị giá của IPH hiện là 185.000 đồng/cổ phiếu, xếp vị trí thứ 2, chỉ sau SAB (285.000 đồng/cổ phiếu). Dưới nữa là các cổ phiếu nổi tiếng trên thị trường như NTC (178.260 đồng/cổ phiếu); VCF (171.900 đồng/cổ phiếu), WCS (152.000 đồng/cổ phiếu), SCS (158.900 đồng/cổ phiếu), TV2 (135.000 đồng/cổ phiếu), VJC (130.000 đồng/cổ phiếu), IN4 (130.500 đồng/cổ phiếu).

Những doanh nghiệp này đều đang sở hữu những lợi thế cạnh tranh đáng chú ý, hoặc có kết quả kinh doanh tăng trưởng rất tốt qua các năm, chia cổ tức đều đặn. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm trước đa phần đều trên 30%, chỉ có SAB là hơn 25%, IN4 gần 19%. IPH là trường hợp duy nhất có ROE bị âm (-14%).

Cuối tháng 6/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận hơn 38.400 cổ phiếu IPH được giao dịch trên thị trường UPCoM, với giá tham chiếu 411.000 đồng/cổ phiếu, phá vỡ mọi kỷ lục về giá chào sàn của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ trước tới nay. Trong phiên giao dịch đầu tiên, ngày 3/7, cổ phiếu này đã giảm kịch sàn, khối lượng giao dịch chỉ đạt 100 đơn vị.

Giá chào sàn của một cổ phiếu được xác định bằng nhiều phương pháp, nhưng phổ biến nhất là phương pháp P/E (so sánh P/E các doanh nghiệp tương đồng trong ngành) và phương pháp chiết khấu luồng cổ tức.

Trong nhiều trường hợp, định giá cổ phiếu còn tính cả yếu tố “tài sản ngầm” của doanh nghiệp. Nhưng thực tế, theo chia sẻ của phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán, doanh nghiệp thường chọn giá phù hợp với giá trị sổ sách, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai và để giá có một mức “chiết khấu” khi niêm yết, nhằm kích thích đà tăng khi cổ phiếu mới niêm yết.

Cũng có doanh nghiệp muốn “ấn định” một mức giá cao nhằm khẳng định thương hiệu trên thị trường chứng khoán, nhưng ở tình huống này, nếu không có những yếu tố cốt lõi tích cực, không có khả năng giữ giá thì cổ phiếu sẽ gặp hiệu ứng ngược lại.

Với trường hợp của IPH, nhìn vào quy mô và hiệu quả hoạt động của công ty này, không thể chấp nhận được mức định giá cổ phiếu “trên trời” như vậy. IPH có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực in ấn, bán lẻ sách báo và dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Công ty chỉ có vốn điều lệ hơn 2,05 tỷ đồng, tương ứng 205.495 cổ phần và Công ty chỉ đăng ký giao dịch 38.431 cổ phần tại thời điểm lên thị trường UPCoM.

Theo báo cáo tài chính 3 năm, từ 2016 - 2018, doanh thu của Công ty giảm dần đều, năm 2016 đạt 10,75 tỷ đồng, năm 2017 là hơn 6 tỷ đồng thì đến năm 2018 chỉ đạt chưa đầy 4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này đạt lần lượt 392 triệu đồng, 42 triệu đồng và lỗ 268 triệu đồng. Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2018 là 2,38 tỷ đồng, Công ty không có nợ vay ngân hàng.

Trước đó, vào tháng 5/2019,  Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán đấu giá 138.231 cổ phần (67,27%) sở hữu tại IPH. Kết quả trúng đấu giá cũng hoành tráng không kém, với mức giá trúng bình quân tới 410.960 đồng/cổ phiếu, gấp 15 lần mức giá khởi điểm. Thậm chí, giá cao nhất còn lên đến 526.800 đồng/cổ phiếu. Nhưng do có nhà đầu tư bỏ cọc, cuối cùng, SCIC chỉ bán được 38.432 cổ phần.

Tài sản đáng chú ý nhất của IPH có lẽ đến từ khu đất số 47 - 55 ngõ 54 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội - đang đặt trụ sở Công ty. Theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt sau cổ phần hóa, IPH được quản lý, sử dụng lô đất này với tổng diện tích 828 m2.

Đất có thời hạn 50 năm tính từ 15/10/1993 với hình thức nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm. Công ty dự kiến di dời nhà xưởng khỏi khu đất này và sẽ xin cơ quan chức năng cải tạo, xây dựng lại làm trụ sở, văn phòng và kinh doanh dịch vụ theo ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sau phiên chào sàn rơi sốc và các phiên đứng giá, giảm sàn đan xen, IPH đang ở mức giá 185.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản không đáng kể.

Ngẫm về ROS và các cổ phiếu khác 

Những năm về trước, diễn biến của cổ phiếu ROS cũng khiến giới đầu tư vô cùng kinh ngạc. Dù nhiều nhà đầu tư đã xác định đây là cổ phiếu thị trường, né tránh hoặc mua tỷ trọng rất ít để giảm thiểu rủi ro, nhưng nhìn tốc độ tăng giá chóng mặt của cổ phiếu này, không ít nhà đầu tư cũng phải tiếc nuối.

Đa số ý kiến thời điểm đó đều cho rằng, kết quả kinh doanh của công ty này không tương xứng với mức tăng giá của cổ phiếu, khi P/E dự phóng lên tới 120 lần. Từ mức giá chào sàn 10.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ROS tăng phi mã lên các đỉnh cao mới, đạt đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu và nằm trong Top cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường giai đoạn đó. Đến nay, thị giá cổ phiếu này đã rớt về mức 27.400 đồng/cổ phiếu.

Trường hợp mới nhất là cổ phiếu GAB. Sau khi lên sàn vào ngày 11/7/2019, cổ phiếu này đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 16.450 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên tới hàng triệu đơn vị, để rồi 2 phiên kế tiếp giảm sàn với tình trạng trắng bên mua. Tình trạng tăng sốc sau chào sàn, rồi giảm sâu cũng không hiếm trên thị trường này, điển hình có thể kể đến như SJF, CTF.

Lẽ dĩ nhiên, với doanh nghiệp mới niêm yết, nhà đầu tư chưa có cơ sở để đánh giá về doanh nghiệp, ngoại trừ những thông tin công bố trên bản cáo bạch, những báo cáo phân tích/roadshow (nếu có) của doanh nghiệp trước đó.

Do vậy, cổ phiếu mới niêm yết cần thời gian để trở về trạng thái cân bằng hơn. Và trên thực tế, không ít cổ phiếu giảm giá sau niêm yết đã lấy lại được hình ảnh khi chứng minh được với cổ đông về tình hình kinh doanh hiệu quả, kết quả kinh doanh tích cực, hoặc công bố các chiến lược đầu tư, M&A, mở rộng thị trường…

Chẳng hạn cổ phiếu HUB của CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế. Từ mức giá chào sàn 25.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp về 16.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu này đã đi lên mốc 23.200 đồng/cổ phiếu. H

UB là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá ổn định và tăng trưởng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu thuần của Công ty tăng từ 403 tỷ đồng lên 453 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 47,6 tỷ đồng tăng lên 71,6 tỷ đồng.

Một trường hợp cũng đáng chú ý khác là DGW. Cổ phiếu này đã có mức tăng khá ấn tượng sau thời gian dài tích lũy tại vùng 17.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu. Hiện giá cổ phiếu DGW đạt 23.700 đồng/cổ phiếu sau khi ra thông tin kết quả kinh doanh quý II tích cực, với doanh thu lần đầu tiên vượt mức 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức giá này, những nhà đầu tư mua cổ phiếu DGW giai đoạn mới chào sàn vẫn đang lỗ hơn 10% (tính theo giá đã điều chỉnh).

Thời điểm mới niêm yết với giá tham chiếu 52.000 đồng/cổ phiếu, DGW có phiên tăng trần lên mức 57.500 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau hơn 2 tháng, DGW liên tục giảm, chỉ còn 36.200 đồng/cổ phiếu (28/10/2015). Nguyên nhân chủ yếu do kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi doanh thu từ Nokia sụt giảm mạnh.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu doanh nghiệp là diễn biến thị trường chung không mấy tích cực. Đây cũng là nguyên nhân nhiều thương vụ mà khối IB của công ty chứng khoán “kiếm được” vẫn chưa thể chạy trong nửa đầu năm 2019.

Một lãnh đạo công ty chứng khoán chia sẻ, doanh nghiệp không thể chấp nhận việc mới năm trước định giá cổ phiếu của họ ở mức này, năm sau (theo kế hoạch niêm yết/bán vốn) chỉ còn một nửa, thậm chí còn một phần ba.

Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest đã chính thức đưa 60 triệu cổ phiếu EVS lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá tham chiếu là 10.700 đồng/cổ phiếu, biên độ giao dịch phiên đầu tiên +/- 30%.  Đến nay, thị giá EVS đang giảm 22%, về mức 9.100 đồng/cổ phiếu.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, thời điểm này không thuận lợi cho nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm ngành chịu tác động trực tiếp từ diễn biến thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp trong ngành cũng nói lên điều này. Với EVS, quý I, doanh thu 42,1 tỷđồng, thực hiện 22,17% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế gần 5,9 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 12,23% chỉ tiêu cả năm. EVS cũng có giải trình về việc kết quả kinh doanh sụt giảm do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán quý đầu năm

Ngoại trừ những trường hợp có những lý do được xem là “bình thường” kể trên, thì còn lại, theo chia sẻ của chuyên gia, các doanh nghiệp đều muốn giá trị của mình trên sàn thật cao. Bản thân ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng gặp những sức ép với cổ đông khi đưa cổ phiếu niêm yết. Nhưng nếu việc định giá quá bất hợp lý, thị giá cổ phiếu sẽ “đâm đầu đi xuống” là cái kết không tránh khỏi.

Hiểu Lam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ