Cải cách tiền lương phải làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Hầu hết kiến nghị của doanh nghiệp về cải cách tiền lương đều cho rằng, tiền lương phải là công cụ thúc đẩy năng suất người lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cải cách tiền lương phải làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Doanh nghiệp kêu

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, lương tối thiểu đang không làm đúng chức năng. “Về nguyên tắc, lương tối thiểu đảm bảo doanh nghiệp không trả cho người lao động dưới mức lương này, tuy nhiên, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương lại quy định khoảng cách chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ít nhất 5%. Điều này đồng nghĩa với việc, tăng lương tối thiểu là cả hệ thống lương đều được tăng”, ông Trường nói. 

Ông Trường cũng chỉ ra, Bộ luật Lao động có quy định lương tối thiểu không trả thấp hơn cho người lao động, nhưng phải là người lao động hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thực tế, không người lao động nào hiểu lương tối thiểu là hoàn thành nhiệm vụ mà đều hiểu đã bước vào nhà máy, ngồi trong đó là phải được mức lương đó.

“Chúng tôi đầu tư vào khu vực Tuyên Quang, nơi mức thu nhập của người lao động làm nương, rẫy, đi rừng chỉ khoảng 300.000 đồng/tháng. Nhưng lương tối thiểu ứng với khu vực này khoảng 2 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể lao động nặng nhọc cao hơn lương tối thiểu 5%, lao động có trình độ cao hơn mức này 7%. Với mức thực lĩnh khoảng 3,1-3,2 triệu đồng/tháng, người lao động cảm thấy thỏa mãn và không có động lực tăng năng suất. Đây là điều doanh nghiệp sợ nhất”, ông Trường cho biết.

Hậu quả của chính sách này, theo ông Trường là khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh và khó tạo cơ hội gia nhập thị trường cho khu vực phi chính thức.

Nhận định cụ thể hơn về gánh nặng với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Mỗi lần tăng lương tối thiểu, chi phí tăng thêm của doanh nghiệp từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Số tiền tăng thêm này đang rơi vào quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ công đoàn, chứ chưa chắc thực lĩnh của người lao động đã tăng lên. Doanh nghiệp ngành thủy sản đang xuất khẩu tới hơn 150 thị trường, đã có những hợp đồng trị giá rất lớn không được thực thi khi doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện liên quan tới chính sách. Trong khi đó, các đối tác nước ngoài thường căn cứ sự thay đổi chính sách, pháp luật và sự tuân thủ của doanh nghiệp để xét có ký tiếp hợp đồng hay không”, ông Nam nói.

Từng là thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận, chính sách điều chỉnh lương tối thiểu thời gian qua đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng, Chính phủ vẫn phải quy định mức sàn lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương,  nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, cải cách tiền lương cần phải hướng tới cách tính lương tối thiểu theo giờ. Liên quan tới thương lượng về lương, bà Hương cho rằng, công đoàn phải có đại diện chuyên trách, nếu không có đại diện chuyên trách thì không bao giờ có được thương lượng.

Cần quan tâm cả tăng lương khu vực công

Bình luận về lương khu vực công, bà Hương khẳng định, lương thấp đang là rào cản khiến người lao động khu vực công không có tinh thần cống hiến làm việc.

Trước đó, Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 đã xác định đến năm 2005 về cơ bản lương cán bộ, công chức, viên chức được cải cách và sống được bằng lương, nhưng đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

“Khu vực công của Hàn Quốc được xem là tinh hoa thúc đẩy kinh tế nước này phát triển. Do đó, cải cách lương khu vực công không thể theo hướng thấp. Nếu điều này lặp lại sẽ dẫn tới vòng luẩn quẩn giữa lương và động lực làm việc, dẫn tới suy giảm cạnh tranh cả nền kinh tế”, bà Hương nói.

Bức tranh thực tế tăng lương thời gian qua giữa 2 khu vực này được ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng qua con số, trong 10 năm, mức tăng lương tối thiểu bình quân khu vực doanh nghiệp là 13,25%, trong khi khu vực công chỉ tăng trên dưới 1%.

Nói về bất cập trong hệ thống lương, ông Đinh Duy Hoàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) dẫn chứng: “Cải cách lương từ 1995 đến nay bỏ lương chức vụ, dẫn tới thế bí là không có lương Thứ trưởng, chỉ có phụ cấp Thứ trưởng. Bài toán này được gỡ bằng cách tất cả Thứ trưởng mới được bổ nhiệm đều được lấy bậc 1 ngạch lương cao cấp. Đây không phải là giải pháp”.

Theo ông Phạm Minh Huân, nâng lương khu vực công phải có sự tương quan với thị trường, ít nhất ở mức trung bình và mấu chốt là chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ.

Để đảm bảo nguồn lực trong điều kiện hiện nay, ông Huân cũng đề xuất, những đơn vị hành chính thì dùng ngân sách nhà nước, còn các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… nên chuyển dần sang cơ chế tự chủ, bên cạnh tinh giản biên chế nhằm đảm bảo tinh gọn cả về chất và lượng của bộ máy nhà nước.

Trần Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục