Đòi hỏi cấp bách
“Nếu cùng một nội dung mà hơn 3 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề cập, chúng tôi coi đây là vấn đề về chính sách cần nghiên cứu nghiêm túc để có thể sửa đổi kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi cũng muốn chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương quan điểm này”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nói như vậy sau khi nghe hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Hội nghị Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 2/2024.
Với quan điểm này, có thể hình dung, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 3/2024 về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nội dung liên quan vướng mắc tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô..., hay những khác biệt còn lại trong tháo gỡ vướng mắc khi triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)... sẽ được đưa vào nhóm ưu tiên xử lý sớm.
Đây là điều các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, kỳ vọng.
Cần có Hội đồng Tư vấn đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo và ban hành với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp. Là người đại diện cho doanh nghiệp, chúng tôi biết rất rõ những vướng mắc, xung đột pháp lý có thể xảy ra. Chúng tôi rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công việc này.
Tôi từng làm chính sách ở ngân hàng Nhà nước, nên chia sẻ áp lực công việc, nhưng cũng thấy cần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ yêu cầu các ban soạn thảo báo cáo rõ việc tham vấn ý kiến, tổ chức hội thảo, đánh giá số lượng, chất lượng, nếu không đo lường được bằng những chỉ số cụ thể thì chưa được phép ban hành.
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam
Những tổn thất, khó khăn của các doanh nghiệp thực phẩm khi buộc phải bổ sung i-ốt vào muối, tăng cường sắt và kẽm vào bột mì khi dùng trong chế biến thực phẩm do quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế đã tồn tại 7 năm. Những thắc mắc của doanh nghiệp vận tải khi phải dành thời gian, nguồn lực để cung cấp thông tin hàng trăm chuyến đi mỗi ngày qua email tới các sở giao thông - vận tải, mà không hiểu mục tiêu quản lý là gì, thông tin có được sử dụng hiệu quả hay không cũng đã bước sang năm thứ 5...
Vấn đề là không phải không có phương án hữu hiệu. Trường hợp của các doanh nghiệp thực phẩm, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo hướng xử lý là khuyến khích doanh nghiệp, thay vì bắt buộc. Với các doanh nghiệp đang chờ đợi được quyền lựa chọn khi thực hiện tái chế, nội dung của Nghị quyết 02/NQ-CP được đặc biệt đón chào khi đưa ra 3 chỉ đạo đúng với mong muốn của họ. Đó là nghiên cứu cho phép doanh nghiệp được thực hiện kết hợp 2 hình thức; nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo và đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.
Tuy nhiên, việc xử lý quá chậm khiến cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy lo ngại. Thậm chí, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho rằng, nếu Bộ Y tế cứ trì hoãn và kéo dài việc sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ chịu rất nhiều tổn thất, không chỉ là tiền bạc, thời gian, mà trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp mất cả thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả ngành hàng.
“Tình trạng này đang ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp. Với những khó khăn dai dẳng từ thị trường, cộng thêm những chi phí phát sinh trong việc tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang ở trạng thái ít có cơ hội hồi phục”, bà Chi chia sẻ thực tế doanh nghiệp tới đại diện các bộ, ngành, địa phương có mặt, mong nhận được sự thấu hiểu.
Sức nóng của sự thấu hiểu
10 năm đi cùng với các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, tính từ Nghị quyết 19 năm 2014, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lý giải riêng về lý do chậm trễ trong xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp. Đó là khối lượng công việc cực kỳ lớn, với yêu cầu cao và thời gian gấp rút, chịu sức ép từ cả trên xuống và từ đòi hỏi thực tiễn.
“Tôi rất chia sẻ với khối lượng công việc và áp lực của các bộ, ngành trong soạn thảo chính sách, trong khi nguồn lực eo hẹp. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng phải tự đặt câu hỏi rằng, nếu làm trong bộ máy nhà nước, chúng ta sẽ làm thế nào?”, ông Tuấn nói.
Câu hỏi này không dễ trả lời, nhất là khi những cải cách môi trường kinh doanh thường đòi hỏi những cách làm, tư duy khác với những quy định hiện tại. Song, cách đặt vấn đề này đòi hỏi các bên, gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với các kiến nghị, đề xuất. Có thể, lý do này thúc đẩy VCCI thường xuyên có những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá độc lập về các vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp để có đề xuất phương án xử lý, dù đây là công việc cũng không dễ dàng và rất nhiều sức ép.
Thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm là khó khăn. Chúng tôi cho rằng, không phải cái gì khó khăn cũng đổ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tự kê khai và báo cáo, sau đó,
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra. Điều này phù hợp với thực tế Việt Nam vì trong thời gian đầu, doanh nghiệp khó có thể tự tái chế được hoàn toàn các bao bì sản phẩm thải bỏ, nên có thể vừa tự làm, vừa cần sự hỗ trợ. Nhưng nếu doanh nghiệp tái chế được đến 99%, thì còn 1% chưa thể tái chế, mà phải nộp 100% số tiền là bất hợp lý.
Trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn, việc doanh nghiệp phải nộp số tiền rất lớn, ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng vào quỹ để đợi đến cuối năm mới giải ngân là rất lãng phí và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)
Tuy nhiên, chính quá trình này đã cho vị chuyên gia VCCI nhận định rằng, để cải cách bền vững, cách tốt nhất vẫn là đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi và các hoạt động tham vấn phải được thực hiện một cách rộng rãi và thực chất.
“Tôi vẫn nhớ những hội thảo đầu tiên với ngành thuế, hải quan rất căng thẳng, với nhiều quan điểm trái chiều giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhưng có những cuộc điều tra về sự hài lòng của người nộp thuế do VCCI thực hiện đã được Tổng cục Thuế sử dụng làm dữ liệu để thanh tra công vụ. Sau 10 năm, ngành thuế, hải quan được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều thay đổi nhất”, ông Tuấn nói và cho rằng, sự tham gia, giám sát của doanh nghiệp, của xã hội nên được coi là động lực để các cơ quan quản lý nhà nước có những thay đổi thực chất.
Ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có lẽ sẽ hiểu phần nào lý do mà ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) phải đăng đàn giải trình sau câu hỏi tại sao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có câu trả lời rồi mà Vasep vẫn đề nghị đưa vào nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP.
Đây là trường hợp của nhiệm vụ được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đưa bùn thải sinh học từ hệ thống xử lý nước thải chế biến thủy sản vào loại chất thải rắn thông thường có khả năng tái chế để các nhà máy thủy sản có thể giao cho các nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, ông Thi cho biết, theo quy định hiện nay, bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản được phép chuyển giao cho các nhà máy sản xuất phân bón đang hoạt động đúng theo quy định của pháp luật để làm nguyên liệu sản xuất, nghĩa là không cần phải sửa đổi quy định để thực hiện.
Giải trình tại Hội nghị, ông Nam kể chi tiết, Vasep đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường từ tháng 7/2022, sau đó, đưa ra trong nhiều cuộc họp của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, nhưng không nhận được câu trả lời. Đến tháng 11/2023, khi tham gia ý kiến cho Nghị quyết 02, Vasep đề nghị đưa vào nội dung này.
“Đến ngày 27/12/2203, chúng tôi nhận được văn bản trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lúc đó, hình như là Dự thảo Nghị quyết đã nằm trên bàn Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị cho cuộc họp ngày mùng 5/1/2024 (thời điểm ký ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-CP – PV). Chúng tôi muốn nói rằng, chúng tôi thực sự mong muốn hợp tác và cũng mong các cơ quan coi các hiệp hội, doanh nghiệp là đối tác trong giải quyết công việc, vì có những kiến nghị có thể không quá phức tạp, nhưng sẽ lại thành vấn đề quan trọng khi không được phản hồi kịp thời hoặc không thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nam bày tỏ.
Theo kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đầu tháng 3/2024.