Cải cách: không chấp nhận bàn lùi

(ĐTCK) “Chính phủ đã 3 lần ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh… Nhìn chung các bộ, ngành chưa tích cực triển khai, ngoại trừ Bộ Tài chính, nên phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm…”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với CIEM tổ chức.
Cải cách: không chấp nhận bàn lùi

Sự kiện trên là nỗ lực tiếp sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Công văn 789/TTg-PL về ban hành văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gửi các bộ, ngành, nhằm đưa các nội dung của Nghị quyết 19/2016 vào cuộc sống, qua đó thực sự tạo chuyển biến sắc nét về cải thiện môi trường kinh doanh.

Luật Đầu tư quy định, các bộ, ngành, địa phương không được ban hành điều kiện kinh doanh, đồng thời từ ngày 1/7/2016, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành, nên phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế.

Trước những ý kiến “bàn lùi” xin giãn thời hạn hoàn thành các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đến sau ngày 1/7, Thủ tướng quyết không chấp nhận, nên ấn định: việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7 tới.

Đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, nhưng chưa ban hành nghị định quy định về đầu tư kinh doanh, các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn… Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình soạn thảo, trình các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ tháng 5/2016.

Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng cho thấy, không chấp nhận chậm trễ trong thực thi các giải pháp cải cách nhằm tạo chuyển biến sắc nét về cải thiện môi trường kinh doanh.

Quyết tâm đã cao như vậy, nhưng theo cảm nhận của các DN, việc thực thi các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấm rõ nét xuống các bộ, ngành, địa phương, nên chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 19 tại cơ sở còn nhiều hạn chế. Cần điều chỉnh các quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; thu phí giao thông; chính sách biên mậu..., để gỡ khó cho DN.

CTCP Viettronics Bình Tân đề nghị giảm thời gian thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng các sản phẩm điện tử, điện lạnh; tạo thuận lợi trong thực hiện quy định hợp quy, hợp chuẩn trong lĩnh vực truyền hình...

Cùng với khẳng định, việc giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 19 sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, TS. Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cho biết thêm, các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Với những chuyển động quyết liệt trên, cộng đồng DN đang nóng lòng chờ để cảm nhận rõ nét thành quả của cải cách môi trường kinh doanh, giúp họ giảm tối đa chi phí, thời gian tuân thủ trong quá trình kinh doanh, từ đó thực sự tạo ra “cú hích” cho phát triển DN.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục