Điểm chính của các đề xuất cải cách này là triển khai một cơ chế nhằm giải quyết các vấn đề được coi là “quá lớn để bị sụp đổ” ở cấp độ quốc tế, hay còn gọi là Năng lực hấp thụ thua lỗ tổng thể (TLAC). Đây là một phần trong kế hoạch rộng hơn nhằm giải quyết toàn diện các rủi ro liên kết với các ngân hàng một cách có hệ thống và trên quy mô toàn cầu.
Theo đó, các nhà quản lý ngân hàng châu Âu sẽ yêu cầu các ngân hàng phải sẵn sàng nắm giữ đủ thanh khoản để phòng vệ ổn định tài chính và các quỹ công (hay còn gọi là lập quỹ dự phòng). Các quy định này có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng lớn đến từ Mỹ và cả các ngân hàng khác ngoài EU đang có hoạt động tại “lục địa già”.
Bộ kế hoạch toàn diện nhằm tăng cường hơn nữa sự ổn định và bền vững của các ngân hàng châu Âu, được xây dựng dựa trên các quy định ngân hàng hiện nay của EU, cộng thêm một số yêu cầu quy định bổ sung nhằm đảm bảo các ngân hàng không phụ thuộc vào tiền đóng thuế của người dân một khi khủng hoảng tài chính xảy ra.
Phó chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết: “Điều chúng tôi quan tâm lúc này là xây dựng một khu vực ngân hàng hoạt động ổn định và không chứa đựng các nhân tố rủi ro quá mức. Vì thế, những gì chúng tôi thực hiện là triển khai các tiêu chuẩn được chấp nhận trên quy mô quốc tế, đồng thời hy vọng sẽ nhận được các quyền tài phán khác để triển khai những quy chuẩn này”.
Quan chức phụ trách bình ổn tài chính và các thị trường vốn của châu Âu này khẳng định, “lục địa già” cần phải có một khu vực ngân hàng đa dạng và mạnh mẽ để tài trợ vốn cho nền kinh tế. Châu Âu cần những ngân hàng có tiềm lực tài chính, sẵn sàng các nguồn lực cho vay đối với công ty và hộ gia đình, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, EU cũng cần thúc đẩy những cơ chế phòng ngừa rủi ro mới, kết hợp cùng các tiêu chuẩn ngân hàng toàn cầu, đề vận hành một cách phù hợp và tương thích với hệ thống tài chính châu Âu. Đó chính là những gì mà châu Âu đang theo đuổi và hướng tới.
Trước đó, trong bài phát biểu hồi đầu tháng 11, ông Dombrovskis cũng thông báo, 13 tập đoàn ngân hàng sẽ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn TLAC tại EU. Điều này có thể tác động lớn tới các ngân hàng Mỹ nằm trong nhóm các ngân hàng hàng đầu thế giới. Theo quy định, các ngân hàng Mỹ hoạt động trong quy vực sẽ phải nắm giữ 16% tài sản phòng vệ rủi ro từ năm 2019 để giúp duy trì sự ổn định tài chính.
Nếu được EU thông qua thành luật, những quy định mới này có thể yêu cầu những ngân hàng lớn của Mỹ như Citigroup, Goldman Sachs hay JP Morgan cũng phải lập quỹ dự phòng tại châu Âu để giải quyết các tình huống khẩn cấp khi các hoạt động của những ngân hàng này tại EU bị đóng cửa.
Một điểm quan trọng khác trong bản kế hoạch là bắt buộc các ngân hàng không được phép cho vay vượt ngưỡng khi họ không có đủ tiềm lực vốn, bởi lẽ tín dụng rẻ có thể làm gia tăng và tích tụ các rủi ro đối với hệ thống tài chính nếu không được kiểm soát. Các ngân hàng đã rút ra được kinh nghiệm “xương máu” này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên thách thức hơn trong bối cảnh quá trình đàm phán Anh rời khỏi EU đang bắt đầu khởi động. Một khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu, các ngân hàng trong tương lai có thể phải nắm giữ thanh khoản bổ sung cho hoạt động tại cả EU và Anh.
Trên thực tế, các ngân hàng toàn cầu đang vận hành trong môi trường lãi suất thấp, thậm chí là lãi suất âm. Điều này làm gia tăng sức ép đối với thu nhập và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, sự bất định về Brexit đang tác động tới các chiến lược dài hạn của nhiều thể chế tài chính hoạt động tại châu Âu.