Cách thức đi vay ngân hàng chuẩn bị thay đổi toàn diện

(ĐTCK) Việc xem xét, đánh giá lại toàn diện quy chế hiện đang sử dụng cũng đồng nghĩa với việc tất cả các sản phẩm xây dựng trên nền tảng quy chế cũ sẽ phải thay đổi.
Thông tư 39 sẽ giải quyết các vướng mắc trong hoạt động cho vay, đồng thời  thay đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính Thông tư 39 sẽ giải quyết các vướng mắc trong hoạt động cho vay, đồng thời thay đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017, đồng thời thay thế 8 văn bản liên quan, đặc biệt là thay thế Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ban hành ngày 31/12/2001 về việc ban hành Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nêu quan điểm: “Thông tư 39 đưa ra một quy định khung, điều chỉnh lại hoạt động cho vay phù hợp hơn với luật hiện hành, đồng thời làm rõ hơn những điểm mà các TCTD đang thực hiện”.

“Nhìn lại lịch sử, sau Quy chế 1627 thì Thông tư 39 là văn bản thứ 3 được NHNN ban hành để hướng dẫn chuyên biệt về nghiệp vụ cho vay. Tín dụng trọng tâm chính là cho vay, theo đó, thông tư này đánh dấu một sự thay đổi, tác động lớn trong hệ thống ngân hàng, thể hiện sự sát sao và mong muốn thay đổi nền tảng của NHNN”, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho biết.

Phân tích thêm về tác động của Thông tư 39 đối với hệ thống, Luật sư Hải cho biết, hoạt động cho vay lan tỏa trong cộng động ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân tiêu dùng… dựa trên các sản phẩm cho vay mà những sản phẩm này được xây dựng trên quy chế cho vay của từng ngân hàng và đều phải dựa trên một văn bản duy nhất là Quyết định 1627, nay là Thông tư 39. Do vậy, việc xem xét, đánh giá lại toàn diện quy chế hiện đang sử dụng cũng đồng nghĩa với việc tất cả các sản phẩm xây dựng trên nền tảng quy chế cũ sẽ phải thay đổi.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đang trong quá trình nghiên cứu, rà soát nhằm ban hành quy chế nội bộ theo Thông tư mới. Một vài ngân hàng cũng không giấu việc khá “lơ ngơ” là điều không bất ngờ, bởi Thông tư 39 thay đổi nền tảng nghiệp vụ cho vay của ngân hàng như: rà soát, ban hành quy chế nội bộ về cho vay; minh bạch, công khai hơn trong hoạt động cho vay…

Chia sẻ khó khăn ban đầu với các TCTD về những vấn đề trên, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) đưa ví dụ minh họa một số điểm thay đổi cơ bản về mặt luật.

Chẳng hạn, so với Quyết định 1627, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Thông tư 39 đã quy định cụ thể hơn về trường hợp cơ cấu thời hạn trả, cụ thể là quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bao gồm điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ, trong đó: thứ nhất, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc TCTD chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần, hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi; thứ hai, gia hạn nợ là việc TCTD chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.

Theo quy định tại Thông tư 39, ông Sơn phân tích thêm, TCTD xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

Cụ thể, khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được TCTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.

Còn về chuyển nợ quá hạn, theo quy chế cho vay tại Quyết định 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn được TCTD đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn. Quy định này ảnh hưởng đến quyền lợi của người vay và quyền tự chủ của TCTD.

“Do vậy, Thông tư 39 đã sửa đổi quy định này theo hướng TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ”, ông Sơn nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho hay, Thông tư 39 được ban hành nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập, bổ sung trong hoạt động cho vay. Cùng với đó, Thông tư còn nhằm thay đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, tăng khả năng tiếp cận vốn của TCTD đối với DN.

“Ngay khi Thông tư 39 được ban hành, NHNN đã tổ chức buổi phổ biến tới tổng giám đốc các ngân hàng và dự kiến ngày 20/2 tới sẽ có buổi tập huấn tới giám đốc các TCTD chi nhánh ở tỉnh, thành phố. NHNN sẽ tiếp thu những ý kiến phản ánh của các TCTD để kịp thời xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục