Cách thoát khỏi mơ hồ trong mục tiêu nghề nghiệp

Tham khảo phương thức sau nếu bạn cảm thấy không có mục tiêu rõ ràng trong nghề nghiệp, hoặc có thì cũng chẳng biết làm gì để đạt được.

Theo Marc Effron - Nhà sáng lập kiêm chủ tịch Talent Strategy Group, nếu đang cảm thấy lo lắng về cách thức thúc đẩy sự nghiệp thì có nghĩa bạn đang ở giữa mức trung bình và kém trong việc phát triển tài năng.

Thách thức của mỗi người là phải cạnh tranh với những người cùng ngành. Do đó, nếu càng phát triển được nhiều khả năng hơn họ thì bạn sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai. Vậy làm thế nào để vạch ra con đường ngắn nhất, chắc chắn nhất cho thành công?

Marc Effron cho rằng, cách phát triển thành công lý tưởng là sự kết hợp của đào tạo chính quy, công việc và xã hội, được gọi là mô hình 70-20-10. Phương thức này cho rằng, 70% phát triển chuyên môn đạt được từ kinh nghiệm làm việc, 20% đến từ tương tác với người khác và 10% là bởi đào tạo chính quy.

Hãy tưởng tượng sự phát triển như một chu kỳ - thể hiện thành công, nhận phản hồi và làm tốt hơn. Các kinh nghiệm có sức ảnh hưởng tới chu kỳ phát triển đó. Vì vậy, bạn nên hiểu rõ kinh nghiệm nào quan trọng nhất và đạt được nó nhanh nhất có thể. Để bắt đầu, bạn cần biết rõ điểm xuất phát cũng như đích đến theo mong muốn của bản thân. Cụ thể, hai bước quan trọng gồm:

Xác định điểm xuất phát và đích đến

 Xác định mình đang ở đâu và muốn gì là bước đầu tiên để vẽ lộ trình phát triển sự nghiệp. Ảnh: Getty

Nếu cần Google Maps chỉ đường, bạn cần cung cấp 2 thông tin: vị trí hiện tại và vị trí muốn đến. Càng nhập chính xác tọa độ, càng có nhiều khả năng đến được vị trí nhanh nhất. Quá trình phát triển sự nghiệp cũng nên thực hiện như vậy. Đầu tiên, cần xác định rõ vị trí hiện tại và đích đến theo kỳ vọng của bạn

Vấn đề là nhiều người quá ảo tưởng về điểm xuất phát và đích đến của bản thân. Chúng ta thường nghĩ mình bắt đầu có tiến bộ và đạt được mục đích trong khi vẫn còn cách nó hàng trăm dặm. Do đó, hãy thực tế hơn và tham khảo những cách định vị bản thân, lập mục tiêu nghề nghiệp của các chuyên gia.

Vẽ sơ đồ kinh nghiệm cá nhân

Theo tỷ lệ 70-20-10 thì kinh nghiệm quan trọng nhất cho sự phát triển. Vì vậy, bạn cần biết rõ những kinh nghiệm nào hữu ích cho nghề nghiệp. Sơ đồ kinh nghiệm cá nhân chính là cách chỉ ra những kinh nghiệm nào cần phải đạt được trong vòng 2-5 năm tới để phát triển sự nghiệp. Đây cũng là bản kế hoạch thực tế, mô tả cách bạn trở nên xuất sắc nhất.

Có hai loại kinh nghiệm sẽ thúc đẩy sự nghiệp: kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm quản lý. Kinh nghiệm chuyên môn giúp bạn làm tốt việc gì đó. Thông qua chúng, bạn chứng minh năng lực trong công việc. Còn với kinh nghiệm quản lý, bạn cho thấy khả năng thực hiện hay quản lý trong nhiều tình huống khó khăn khác nhau. Bạn có thể vẽ sơ đồ kinh nghiệm cá nhân sau khi:

Hỏi ý kiến các chuyên gia trong ngành

Cách có kinh nghiệm nhanh chóng là lắng nghe truyền đạt từ những người giỏi nhất.Ảnh: Pixabay 

Những người giỏi và thông minh nhất trong ngành có thể giúp bạn hiểu rõ kinh nghiệm nào có thể giúp thăng tiến và trở thành chuyên gia. Do đó, hãy xin ý kiến từ họ. Trò chuyện với những người giỏi nhất trong ngành, không phải chỉ là người giỏi nhất trong công ty. Nếu bạn muốn trở thành giám đốc tài chính (CFO), hãy xác định 5 CFO bạn ngưỡng mộ hay coi trọng trong ngành.

Tìm kiếm các nhà lãnh đạo trong giỏi nhất trong ngành từ các bài báo về họ, trong danh sách diễn giả tại các hội nghị hoặc từ giới thiệu của cấp trên trong công ty. Sau đó, hãy cố gắng tạo quan hệ và đề nghị các cuộc trò chuyện với họ.

Bắt đầu vẽ sơ đồ kinh nghiệm

Vẽ sơ đồ kinh nghiệm cần thiết để phát triển sự nghiệm và rà soát mỗi 6 tháng. Ảnh: Pixabay 

Đọc lại những ghi chú về buổi trò chuyện và liệt kê những kinh nghiệm bạn có được từ buổi đó. Không phải mọi thứ bạn nghe được đều hữu ích. Một số thông tin sẽ trùng lập hay mâu thuẫn với nhau. Mục tiêu của bạn là sắp xếp thông tin để tìm vài kinh nghiệm hữu ích nhất để phát triển sự nghiệp.

Chọn 4 đến 7 kinh nghiệm chuyên môn và 3 đến 4 kinh nghiệm quản lý mà bạn nghĩ là hữu ích nhất rồi liệt kê chúng trên sơ đồ kinh nghiệm cá nhân. Sơ đồ chính là hướng dẫn để bạn liên tục phát triển, hoàn thiện bản thân. Xem xét lại nội dung sơ đồ bất kỳ lúc nào bạn chuyển công việc, chuyển công ty hay ít nhất  mỗi 6 tháng để đảm bảo nó vẫn hợp lý và hữu ích.

Không dễ dàng gì trong việc phát triển bản thân nhanh hơn nhưng việc này sẽ trở nên đơn giản hơn khi bạn hiểu rõ điểm xuất phát, đích đến và lộ trình.


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục