Giải pháp tình thế
Trong trường hợp hàng tồn kho bị thế chấp trùng (đồng thời thế chấp tại nhiều ngân hàng) và DN không có khả năng trả nợ, giải pháp đầu tiên mà các ngân hàng tiến hành là tìm mọi cách để “cướp hàng”. Chỉ khi không thể thu hồi được hàng hóa lưu kho, các giải pháp khác mới được tính đến.
Thực tế, vụ “cướp hàng” do một ngân hàng thực hiện vào cuối tháng 11/2012 trước sự bất lực của 6 ngân hàng bạn đã cảnh tỉnh các ngân hàng rằng, giải pháp tối ưu nhất trong trường hợp này chính là thu hàng về càng sớm càng tốt. Bởi vậy, trong vụ xiết nợ kho hàng gần đây nhất xảy ra tại kho cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân ở Bình Dương, một ngân hàng đã đưa xe vào nhằm thu hồi khoảng 4.000 tấn cà phê lưu kho. Tuy nhiên, ngay khi ngân hàng nói trên có động tĩnh, các ngân hàng nhận thế chấp còn lại cũng lập tức đưa xe vào và cho người bao vây, không để hàng hóa lọt ra ngoài.
Các ngân hàng chỉ còn cách là ngồi lại bàn bạc, thương lượng với nhau để tìm cách giải quyết. Nhưng việc thương lượng chỉ có giá trị khi hàng hóa trong kho còn đáng kể. Trong nhiều trường hợp, khi hàng hóa trong kho đã được DN tẩu tán phần lớn, thì kỳ vọng thu hồi gốc và lãi vay của ngân hàng coi như bằng không.
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, trong trường hợp DN “rút ruột”, làm giả, không duy trì đủ số lượng tài sản bảo đảm trong kho như đã cam kết với ngân hàng và không thể hoàn trả gốc và lãi thì đã đủ 2 yếu tố gian dối và chiếm đoạt để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngân hàng có muốn kiện, tố cáo DN ra cơ quan điều tra hay không thì đây là bài toán cần cân nhắc nhiều bề.
Luật sư Hải cho rằng, trường hợp hàng hóa trùng với nhiều ngân hàng, thì việc kiểm tra chất lượng, số lượng hàng là cần thiết và các ngân hàng cũng nên nhìn nhận hàng trùng là điều tất yếu, trừ trường hợp có những chứng cứ xác minh cụ thể, điều thường khó xảy ra. Trên cơ sở đó, phải chấp nhận phân chia hàng hóa theo thực tế thỏa thuận để nhanh chóng xử lý, thu hồi phần nào khoản vay khó đòi.
Tạo điều kiện cho hãng kho vận chuyên nghiệp
Có ngân hàng đã sử dụng bên thứ ba là các đơn vị giám sát để theo dõi, kiểm tra định kỳ, đảm bảo lượng hàng trong kho. Tuy nhiên, giải pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn, vì hàng trong kho vẫn bị thất thoát. Giải pháp ngân hàng thành lập kho riêng để quản lý hàng hóa thế chấp và đặt ở công ty con có chức năng quản lý nợ và khai thác tài sản đã được nhắc đến. Khi đó, ngân hàng tính toán chi phí kho hàng vào lãi vay, khách hàng phải chịu thêm chi phí nhưng bù lại, ngân hàng yên tâm tài trợ vốn cho sản xuất. Tuy nhiên, ngân hàng không có chức năng cho thuê kho, bởi vậy có thể thành lập kho hàng riêng hay không còn phải chờ chủ trương của cơ quan quản lý.
Giải pháp tạm thời là các ngân hàng thuê kho, đây cũng được xem như kho riêng của ngân hàng, nhưng vẫn có một số hạn chế. Hiện nay, những ngân hàng lớn chủ yếu là thuê kho để làm tổng kho và đặt tại một địa phương nào đó. Tổng kho này không thể đảm bảo là toàn bộ tài sản bảo đảm là hàng tồn kho đều được đưa về đây, trước hết là do vấn đề địa lý. Hơn nữa, ngân hàng không có khả năng tại mỗi địa phương đều thuê kho riêng.
Ở một số nước phát triển, các hãng kho vận uy tín đứng ra làm trung gian gửi giữ hàng hóa, DN gửi hàng vào kho và được cấp chứng chỉ ghi nhận thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại và sở hữu về hàng hóa. DN có thể đem chứng chỉ này thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Với uy tín của hãng kho vận, ngân hàng sẽ mặc nhiên ghi nhận các thông tin để nhận thế chấp hàng hóa. Khi cần xử lý tài sản bảo đảm, chỉ với chứng chỉ này, ngân hàng cũng có thể bán được hàng hóa với sự hợp tác của hãng kho vận. Sự phối hợp trên sẽ giảm thiểu hầu hết rủi ro của thế chấp hàng hóa.
“Vấn đề là cần có hành lang pháp lý cho các DN kho vận chuyên doanh trong lĩnh vực này như điều kiện hoạt động, giới hạn nghiệp vụ, bảo hiểm trách nhiệm, quy chuẩn hoạt động, vấn đề về quyền sở hữu hàng hóa, quy trình phối hợp quản lý hàng hóa thế chấp giữa ngân hàng, bên kho vận, bên thế chấp”, luật sư Trần Minh Hải nói.