Cách nào hạ lãi suất?

(ĐTCK-online) Lãi suất tăng cao đang tác động tiêu cực đến hoạt động của DN thuộc mọi lĩnh vực. Nếu thắt chặt tiền tệ thêm nữa, đẩy lãi suất tiếp tục tăng, có thể nhiều DN sẽ bị phá sản. Thế nhưng, diễn biến lãi suất tăng cao có hoàn toàn do lạm phát và phương cách nào để hạ lãi suất?
Lãi suất cao do tác động của lạm phát và cung cầu vốn trên thị trường

DN lao đao vì lãi cao

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của 500 DN niêm yết trên TTCK năm 2008 là 1,44 lần, năm 2009 là 1,53, năm 2010 là 1,58 và 3 tháng đầu năm 2011 là 1,62 lần (xem đồ thị). Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh của các DN ngày càng phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) hoặc các tổ chức khác. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực công nghiệp trên 2,2 lần, thấp nhất là khu vực sản xuất hàng tiêu dùng với 0,48 lần. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các DN là 21% trong năm 2010, trong khi con số này năm 2009 là 51%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2008 là 14,76%, năm 2009 là 20,0%, năm 2010 là 19,74% và 3 tháng đầu năm 2011 là 16,2%. Dự kiến, ROE của năm 2011 sẽ xuống rất thấp như của năm 2008, điều này cũng phù hợp với việc lãi suất đang tăng rất cao. ROE giảm ở hầu hết các ngành, đặc biệt ở những ngành mà vốn hoạt động dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng. Điều này cho thấy, lãi suất tăng cao có tác động rất nghiêm trọng đến những lĩnh vực như công nghệ, ROE chỉ còn 11,38%; dịch vụ tiêu dùng là 12,92%; đặc biệt, mức sụt giảm mạnh nhất thuộc về ngành dịch vụ công cộng, giảm từ 18,68% năm 2009 xuống còn 9,64% trong 3 tháng đầu năm 2011.

Hệ số khả năng thanh toán hiện tại (đo bằng vốn lưu động trên nợ ngắn hạn) của hầu hết DN ở mức trên dưới 1,52 lần (mức an toàn tối thiểu), nhưng một số ngành có hệ số khả năng thanh toán hiện tại khá thấp, như nguyên vật liệu trên dưới 1,3 lần; công nghiệp trên dưới 1,2; công nghệ trên dưới 1,4; dịch vụ tiêu dùng trên dưới 1,3 và bất động sản trên dưới 1,1 lần. Đặc biệt, hệ số khả năng thanh toán nhanh (tài sản lưu động trừ hàng tồn kho trên nợ ngắn hạn) đang ở mức rất thấp, nhất là ở một số ngành như nguyên vật liệu, công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng, bất động sản dưới 1% (dưới mức an toàn tối thiểu). Điều này cho thấy, hầu hết DN đang gặp khó khăn lớn về thanh khoản hiện tại và thanh khoản nhanh. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, tiền tệ tiếp tục thắt chặt, nhiều lĩnh vực có thể phá sản và tình trạng thất nghiệp tăng cao. Đặc biệt là những lĩnh vực vừa bị tác động bởi thắt chặt tiền tệ, vừa bị tác động của thắt chặt tài chính công như xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ công cộng, bất động sản và công nghệ.

 

Tại sao lãi suất cao?

Có những nguyên nhân khách quan, tác động bởi 2 yếu tố: lạm phát và cung cầu vốn trên thị trường.

Về lạm phát, CPI tính theo năm của tháng 4/2011 đã lên tới 17,5% và lạm phát kỳ vọng thậm chí có thể còn cao hơn, nên để huy động được vốn, các NHTM phải đẩy lãi suất huy động cao hơn 17,5%/năm. Điều này cho thấy trần lãi suất 14%/năm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là không hợp lý.

Lãi suất cao còn do cung tín dụng giảm, trong khi cầu tín dụng vẫn lớn. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng trên dưới 2%, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ trên dưới 5,5% (thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái).

Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, lãi suất cao do các NHTM nhỏ cạnh tranh chạy đua lãi suất tạo ra. Đây là một đánh giá không khách quan, không công bằng. Như đã nói ở trên, mức lạm phát kỳ vọng tăng cao, nên để huy động được vốn, tất cả các NHTM đều phải huy động lãi suất cao hơn mức lãi suất kỳ vọng. Các ngân hàng nhỏ còn yếu thế hơn rất nhiều so với các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh trong việc huy động vốn, do thiếu các công cụ tài chính để tham gia thị trường tái cấp vốn của NHNN, không có tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, không có vốn ủy thác của các dự án ODA và đặc biệt, không có khách hàng là những tập đoàn kinh tế lớn có tiền gửi không kỳ hạn cao, lãi suất thấp. Chưa kể các ngân hàng nhỏ cũng không có hệ thống, chi nhánh rộng khắp để huy động vốn như các ngân hàng lớn. Như vậy, nguồn vốn của các ngân hàng nhỏ chủ yếu là tiền gửi của dân cư và các DN vừa và nhỏ. Nói cách khác là chi phí đầu vào cao và đương nhiên là cho vay cao. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và nguyên lý về cấu trúc rủi ro của lãi suất nhìn cả từ phía ngân hàng và khách hàng.

Ví dụ ở Mỹ, các ngân hàng lớn thường huy động ở mức 2 - 2,5%/năm và cho vay ở mức 3,5 - 4%/năm, trong khi đó các ngân hàng nhỏ có thể huy động từ 3 - 3,5%/năm và cho vay ở mức 4 - 4,5%.

Trong khi đó, phần lớn ngân hàng nhỏ vừa mới tăng vốn điều lệ, đang có nhu cầu rất lớn để mở rộng quy mô kinh doanh nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn tự có ở mức quân bình của thị trường, nên buộc phải lao vào tìm kiếm nguồn vốn và mở rộng cho vay. Một lượng lớn khách hàng mà những ngân hàng này lựa chọn để cho vay có liên quan đến bất động sản dưới dạng tài sản thế chấp, cho vay mua nhà hoặc các dự án bất động sản khác, với một chủ ý là các dự án loại này trong trường hợp không thu hồi được nợ vẫn còn tài sản thế chấp là bất động sản. Tuy nhiên, cho vay bất động sản thường có tính trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là ngắn hạn. Vì vậy, thanh khoản của các ngân hàng này thường rất căng thẳng.

Mặt khác, các NHTM nhỏ cũng nhận ra rằng, với lãi suất huy động 17 - 19%/năm vẫn còn rẻ hơn là vay trên thị trường liên ngân hàng từ các ngân hàng lớn là 22 - 25%/năm. Điều này cho thấy, thị trường liên ngân hàng hiện nay tồn tại những vấn đề rất lớn, đây là khu vực lẽ ra NHNN cần phải kiểm soát chặt chẽ. Thông thường, NHNN phải là người kiểm soát thị trường liên ngân hàng và thông qua đó để điều chỉnh thị trường tín dụng. Lãi suất của thị trường liên ngân hàng nếu được điều chỉnh hiệu quả phải ổn định và xoay quanh lãi suất thị trường mở. Đây là thông lệ quốc tế và cũng là nghiệp vụ truyền thống của NHNN. Ở Việt Nam, tình hình đang ngược lại, NHNN chưa kiểm soát được thị trường liên ngân hàng và để các ngân hàng lớn bắt chẹt các ngân hàng nhỏ, trong khi tìm cách can thiệp trực tiếp vào thị trường tín dụng bằng nhiều cách như trần lãi suất, hạn mức tín dụng...

Liệu lãi suất có thể giảm?

Việc giảm lãi suất phụ thuộc vào 3 yếu tố: lạm phát hạ nhiệt, phân bổ nguồn lực tài chính công hợp lý và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN hiệu quả.

Dự kiến, lạm phát tính theo năm của tháng 5/2011 sẽ là 15,5% và tỷ lệ này tiếp tục giảm trong các tháng sau đó, đặc biệt bắt đầu từ quý III/2011. Ngoài ra, việc cắt giảm chi tiêu công cũng thật sự có hiệu lực vào thời điểm đó, vì vậy lãi suất sẽ bắt đầu giảm trong quý III và giảm vững chắc hơn vào quý IV/2011. Dự kiến, tỷ trọng đầu tư công giảm từ 44% trong năm 2010 xuống còn 37% trong năm 2011, tương đương trên 90.000 tỷ đồng, nghĩa là đã giảm gần một nửa trong tổng đầu tư công năm 2011 trên 200.000 tỷ đồng. Đó là mức điều chỉnh tương đối lớn, còn nếu cắt giảm nữa sẽ khó, bởi chủ yếu đầu tư công của Chính phủ là vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy điện, nhà máy xi măng..., là những chi tiêu thiết yếu cho nền kinh tế. Đặc biệt, nếu dừng đầu tư lại, chi phí về sau tính ra sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Nếu cắt giảm nữa thì đáng kể nhất là ở các tập đoàn kinh tế nhà nước và chi tiêu thường xuyên của Chính phủ.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc rất lớn vào cách thức điều hành của NHNN, đặc biệt là việc kiểm soát tăng cung ứng tiền, đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, xóa bỏ các công cụ hành chính, chuyển sang điều hành bằng các công cụ thị trường. Trong đó, NHNN cần phải chú trọng xây dựng thị trường tiền tệ liên ngân hàng minh bạch, ổn định, coi đó như là thị trường nền tảng cho việc điều hành chính sách tiền tệ.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa

Tin cùng chuyên mục