Cách chuyển nhượng cổ phiếu hủy niêm yết

(ĐTCK) Trong việc chuyển nhượng cổ phiếu bị hủy niêm yết, điều khó khăn nhất là tìm được người mua “đống” cổ phiếu phế phẩm này, chứ không phải vì cơ chế chuyển nhượng.
Cách chuyển nhượng cổ phiếu hủy niêm yết

> Kỷ lục hủy niêm yết

Mã chứng khoán BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết không còn tồn tại trong mắt nhà đầu tư đại chúng kể từ khi DN này bị hủy niêm yết bắt buộc từ năm 2009. Thế nhưng, đối với cổ đông của DN này, họ vẫn phải nhớ đến BBT mỗi khi có nhu cầu giao dịch.

Trao đổi với ĐTCK, ông N.V.C, một cổ đông của BBT cho biết, ông mua hơn 20.000 cổ phiếu BBT trong giai đoạn 2008 - 2009 với mức giá 8.000 đồng/CP và giao dịch tại CTCK Ngân hàng Công thương  (VietinbankSC). Sau khi mua xong, nhà đầu tư này đã “lãng quên” số cổ phiếu BBT mình nắm giữ cho đến gần đây, ông nhận được đề nghị của một cổ đông khác của BBT sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu này. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để chuyển nhượng cổ phiếu khi DN bị hủy niêm yết, nhưng vẫn đang lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD)?

Đối với trường hợp của BBT, VSD cho biết, Luật Chứng khoán đã quy định, việc chuyển quyền sở hữu đối với các loại chứng khoán đã đăng ký tại VSD sẽ được thực hiện qua VSD khi bên bán tìm được bên mua với điều kiện, khi ký hợp đồng lưu ký chứng khoán, DN đã có ủy quyền việc chuyển nhượng cổ phiếu cho VSD. Trường hợp DN không có ủy quyền chuyển nhượng cổ phiếu cho VSD, cổ đông của DN cần đốc thúc lãnh đạo DN phải thực thi nghiêm túc quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của những người đã góp vốn vào công ty.

Không riêng BBT, cần một cơ chế cụ thể để chuyển nhượng cổ phiếu của công ty đại chúng đã lưu ký chứng khoán nhưng chưa niêm yết hoặc bị hủy niêm yết là câu chuyện từng được dư luận đề cập. Trước thực tế nhiều cổ đông của khối DN loại này muốn giao dịch, tháng 1/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có Quyết định số 56/2013/QĐ-UBCK ban hành Quy chế chuyển quyền sở hữu chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký tại VSD nhưng chưa, không niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán. Theo Quy chế này, việc chuyển quyền sở hữu được VSD thực hiện căn cứ theo hợp đồng được ký kết giữa VSD và công ty đại chúng, trong đó có quy định cụ thể về việc công ty đại chúng ủy quyền cho VSD thực hiện chuyển quyền sở hữu với chứng khoán đã đăng ký. VSD chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán đối với các trường hợp mà bên chuyển quyền sở hữu là cổ đông có tên trên sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán do VSD quản lý, căn cứ trên đề nghị của cổ đông và xác nhận của thành viên lưu ký nơi nhà đầu tư mở tài khoản.

Cũng theo Quy chế này, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhà đầu tư sẽ nhận được quyết định cho phép chuyển nhượng cổ phiếu từ VSD hay không.

Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông tại DN, UBCK đã yêu cầu các DN bị hủy niêm yết chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM để nhà đầu tư có thể tiếp tục giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thực hiện yêu cầu này. Ngoài BBT, một trường hợp khác là CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP), sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE từ tháng 6/2012, VKP gần như “mất tích” vì chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong việc chuyển nhượng cổ phiếu bị hủy niêm yết, điều khó khăn nhất là tìm được người mua “đống” cổ phiếu phế phẩm này, chứ không phải vì cơ chế chuyển nhượng.          

Hoàng Anh
Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục