Các vấn đề về giới trong di cư đã tác động đến cơ cấu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tượng di cư đã diễn ra nhiều năm nay tạo ra tác động hai chiều cho kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, vấn đề về giới trong di cư cũng ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Các vấn đề về giới trong di cư đã tác động đến cơ cấu kinh tế

Sáng ngày 23/4, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam.

Tác động của di cư trong nước

Phát biểu tại hội thảo, ThS. Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng CIEM cho biết: “Di cư không phải vấn đề mới, nhưng những năm gần đây, chúng ta mới nhìn nhận và quan sát kỹ hơn hiện tượng di cư trong nước. Có đến trên 13% tổng số dân cư Việt Nam là người di cư. Đây là hiện tượng tự nhiên trong xã hội. Tuy nhiên vấn đề này diễn ra mang lại những tác động tích cực và cả tiêu cực từ cả nơi đi và nơi đến”.

Theo đó, TS. Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) đã chỉ rõ tác động của di cư đối với lao động đối với nơi đi và nơi đến.

Cụ thể, đối với nơi đi, lao động di cư giúp giải quyết vấn đề lao động dư thừa ở nơi đi, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, người di cư sẽ học được các kỹ năng nâng cao tay nghề và đặc biệt là kỹ năng mềm trong mọi lĩnh vực, họ sẽ trở thành nguồn lao động có chất lượng cho địa phương khi trở về.

Tuy nhiên, hiện tượng di cư sẽ gây ra thiếu hụt lao động ở một số ngành nghề, làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của nơi đi. Bên cạnh đó, điều này sẽ tạo ra các hệ lụy xã hội, tăng tỷ lệ ly hôn, trẻ em thiếu sự chăm sóc của bố/mẹ. Đặc biệt, nhiều ngành nghề truyền thống sẽ bị ảnh hưởng do giảm sút lao động.

Đối với nơi đến, di cư sẽ bù đắp sự thiếu hụt lao động, lao động có kỹ năng cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, lao động nhập cư chỉ tiêu tại nơi đến kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ khác.

Ngược lại, di cư sẽ tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng như: điện, nước, giao thông, y tế, giáo dục và tài nguyên môi trường..., tăng áp lực cho việc giữ gìn an ninh trật tự; làm tăng tỷ lệ đói nghèo ở khu vực đô thị; tăng cạnh tranh lao động với dân địa phương; tăng nguy cơ chênh lệch về giới, đặc biệt là tại các khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

TS. Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) tại hội thảo.

TS. Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) tại hội thảo.

Ông Hòa cho biết thêm, về tỷ suất di cư trong nước, suốt giai đoạn 2005 - 2019, Đông Nam Bộ luôn là vùng có tỷ suất di cư thuần dương, ở mức trên dưới 10‰ và có xu hướng tăng.

Các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi xuất cư thuần âm khi tỷ suất xuất cư luôn lớn hơn tỷ suất nhập cư, đây cũng là các vùng cơ cấu kinh tế còn chậm tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, lực lượng lao động trong nông nghiệp còn lớn.

Riêng hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên có tỷ suất nhập cư lớn hơn tỷ suất di cư trong một số năm. Các vùng có kinh tế phát triển, đặc biệt là những vùng tập các khu công nghiệp như Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ suất di cư thuần dương, có nghĩa là vùng thu hút được lượng lớn người di cư đến.

Các vấn đề về giới trong di cư trong nước

Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số lượng người di cư trong nước thời gian qua ở Việt Nam cho thấy số lượng người di cư trong nước tăng liên tục trong giai đoạn 1989 - 2009 từ 2,4 triệu người năm 1980 lên 4,5 triệu người năm 1999 và tiếp tục tăng lên 6,7 triệu người năm 2009, nhưng sau đó giảm xuống còn 6,4 triệu người vào năm 2019.

Trong đó Nghiên cứu chỉ rõ, nữ giới trong di cư luôn ở mức cao. Đối với di cư các huyện, tỷ lệ nữ giới từ 55% năm 1999 tăng lên 56,6% vào năm 2009 và duy trì tiếp sang năm 2019. Đối với di cư giới các tỉnh, tỷ lệ nữ giới tăng từ 50% năm 1999 lên 53,1% năm 2009 và sau đó giảm nhẹ ở mức 52% vào năm 2019.

Nữ giới luôn chiếm tỷ lệ cao trong di cư ở các cấp địa giới hành chính, do ở nước ta các ngành nghề sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ hơn nam giới, như dệt may, điện tử và chế biến nông sản.

Tại các khu công nghiệp, tính đến tháng 12/2016, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập với gần 3 triệu lao động. Trong đó chiếm 1,19 triệu lao động nữ (chiếm 63%), một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có doanh nghiệp tỷ lệ nữ chiếm tới 80 - 90%.

Ngành dệt may và da giày hiện sử dụng khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm trên 10% lao động công nghiệp cả nước. Trong đó khoảng 78% là lao động nữ. Độ tuổi lao động trong ngành này cũng lớn, từ 36 tuổi trở lên chiếm 35,84% đối với dệt may và 25,37% đối với giày dép.

Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đang sử dụng trực tiếp khoảng 1,6 triệu lao động.

Ngành điện tử, Công ty điện tử Samsung Việt Nam là ví dụ điển hình cho việc sử dụng lao động di cư đến từ 33 tỉnh thành phía Bắc và khu vực miền Trung, chủ yếu là lao động nữ. Năm 2014, Samsung đã thu hút 63 nghìn lao động, trong đó có 75% là lao động nữ, độ tuổi bình quân 22 - 23 tuổi, 3,5% có trình độ đại học, cao đẳng kỹ thuật.

Về thu nhập của người di cư trong nước, năm 2004, mức thu nhập của nam di cư là 1.105 ngàn đồng/tháng, trong khi của nữ là 839 ngàn đồng/tháng. Năm 2009, mức thu nhập của nam tăng lên 2.609 ngàn đồng/tháng, trong khi của nữ tăng lên 1.812 ngàn đồng/tháng. Đến năm 2015, thu nhập của nam di cư tăng lên 5.543 ngàn đồng/tháng so với nữ là 4.535 ngàn đồng/tháng.

Điều này cho thấy khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ di cư đã được cải thiện tốt lên, nhưng về cơ bản để nữ di cư có thu nhập bằng nam di cư thì họ phải làm việc nhiều thời gian hơn. Đồng thời, nữ lao động di cư cũng thường chịu nhiều thiệt thòi do mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục