Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG ) vừa tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội thảo nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng Dân sự theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở phân tích chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, bài học thành công và kinh nghiệm tốt cho Việt Nam nhằm bảo đảm thực thi hợp đồng tại tòa án, những vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng, các chuyên gia và đại biểu đã thảo luận để hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự.
Việc hoàn thiện dự thảo Luật nhất quán theo hướng rút ngắn thời gian trong mỗi thủ tục tố tụng, áp dụng phương thức nộp hồ sở khởi kiện trực tuyến, xây dựng mô hình “một cửa” của bộ phận hành chính tư pháp để tiếp nhận đơn, thụ lý vụ án và phân công án nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và độc lập xét xử và hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự….
Theo phân tích của các chuyên gia luật, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài là do một số nguyên nhân như phần lớn các tòa án vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách, chưa ứng dụng CNTT trong quy trình tố tụng, hiện mới chỉ có một vài tòa án áp dụng CNTT trong quản lý nhận đơn và thụ lý vụ án; Viện Kiểm sát tham gia quá nhiều vào quá trình tố tụng; Phía bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không hợp tác với tòa án; Thủ tục tống đạt gồm nhiều bước, tốn nhiều thời gian,…
Để khắc phục các bất cấp này, riêng đối với chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại và phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại từ mức 400 ngày hiện nay xuống còn tối đa 200 ngày.
Đối với chỉ tiêu giải quyết phá sản doanh nghiệp, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống còn 30 tháng vào cuối năm nay và xuống còn 24 tháng vào cuối năm 2016.
Đây là 2 chỉ số liên quan tới cơ quan tư pháp trong tổng cộng 10 chỉ số môi trường kinh doanh cần hoàn thiện theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.