Các tổ chức đánh xuống sẽ thất bại!

(ĐTCK) TTCK tăng mạnh từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 6 là sự phản ánh kỳ vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Nếu nền kinh tế tăng trưởng từng ngày mà TTCK lại có diễn biến ngược lại thì đó là điều không hợp lý.

Đây là kỳ vọng hợp lý, bởi tình hình kinh tế trong nước đã có những diễn biến khả quan, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố đạt lợi nhuận cao. Tại thị trường Mỹ, không ít ngân hàng đạt lợi nhuận vượt mong đợi của NĐT.

Trong giai đoạn trên, VN-Index tăng từ 235 điểm lên trên 500 điểm, không ít người cho rằng, đây là mức tăng nóng. Nhưng chúng ta nhìn nhận lại mức 900 điểm của VN-Index đầu năm 2008, sau 1 năm giảm xuống còn 235 điểm liệu không phải là quá đà? Theo tôi, việc giảm mạnh này là do NĐT cá nhân tháo chạy khỏi thị trường và một số tổ chức không tin vào sự phục hồi sớm của nền kinh tế. Việc TTCK phục hồi là lấy lại trạng thái cân bằng của nó mà thôi (trạng thái cân bằng tại thời điểm đầu tháng 6).

Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4%/năm giúp cải thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, lãi suất cơ bản giữ ở mức 7%, tỷ giá nằm trong tầm kiểm soát, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước là những cố gắng của Chính phủ nhằm tạo đà cho nền kinh tế nước ta phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước đang có động thái siết chặt tín dụng, việc này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng nhìn tổng thể, đây là điều tốt cho nền kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát có nguy cơ xuất hiện.

Hiện VN-Index đang giảm trở lại, xuống gần 400 điểm. Do đó, xét trong trung và dài hạn thì TTCK Việt Nam càng có cơ hội tăng điểm mạnh, căn cứ vào những số liệu kinh tế mà các nhà kinh tế đã chỉ ra và dự đoán trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng. TTCK Việt Nam và thế giới có thể tăng mạnh vào tháng 8, tháng 9 và các tháng sau đó. Trong gần 1 tháng qua, không phải vô cớ mà NĐT nước ngoài liên tiếp mua ròng trên cả 2 sàn chứng khoán.

Với những nhận định trên thì TTCK Việt Nam sẽ không như mong đợi của các tổ chức đánh xuống. Họ muốn thị trường xuống sâu dưới 400 điểm để giải ngân. Trong đợt phục hồi 235 - 500 điểm, nhiều tổ chức do không giải ngân hoặc giải ngân ít nên lợi nhuận đạt được không như mong muốn, bây giờ tung chiêu để làm cho thị trường diễn biến theo ý của họ, làm cho NĐT cá nhân bán tháo cổ phiếu để mua vào với giá thấp.

Trên TTCK, xét trong ngắn hạn, bao giờ cũng có người thắng, người thua, nhưng khi trình độ và kinh nghiệm của NĐT được nâng lên thì hành động “ném đá” đó không dễ dàng đạt được mục đích.

TTCK phát triển chứng tỏ nền kinh tế của nước đó mạnh và tăng trưởng tốt. Nếu nền kinh tế tăng trưởng từng ngày mà TTCK lại có diễn biến ngược lại thì đó là điều không hợp lý.

Lê Hải, Quận Thủ Đức, TP. HCM
Lê Hải, Quận Thủ Đức, TP. HCM