Các tỉnh miền Trung thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Hầu hết dự án đầu tư công tại miền Trung bị ảnh hưởng tiến độ do giãn cách xã hội. Một số địa phương đã thành lập tổ kiểm soát đặc biệt, áp dụng giải pháp tăng tốc thi công.
Hầu hết dự án sử dụng vốn đầu tư công tại các tỉnh miền Trung đã và đang thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Hầu hết dự án sử dụng vốn đầu tư công tại các tỉnh miền Trung đã và đang thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.

Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 7 tháng đầu năm, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với khu vực miền Trung và Tây Nguyên (xếp thứ 5/13). Tuy nhiên, một số nguồn vẫn chưa đạt yêu cầu, chủ yếu do các chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức công tác giải ngân; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án; giá vật tư, vật liệu tăng cao; hoàn thiện hồ sơ đối với các dự án khởi công mới còn chậm...

Bình Định đặt mục tiêu đến hết tháng 9, sẽ giải ngân dứt điểm kế hoạch vốn kéo dài năm 2020 và giải ngân ít nhất 60% kế hoạch vốn năm 2021; đến ngày 31/1/2022, giải ngân hết kế hoạch vốn giao đối với tất cả các nguồn vốn.

Tại Quảng Trị, theo báo cáo từ UBND tỉnh này, nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh mới giải ngân 31,65%, tương đương trên 907 tỷ đồng, trong khi kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 tỉnh được phân bổ là trên 2.866 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đến thời điểm này, có 11 dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh mới giải ngân được dưới 10%, và 8 dự án chưa thực hiện giải ngân.

Ông Phan Đình Tý, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Trị cho biết, ông đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công và nhanh chóng hoàn tất thủ tục, hồ sơ gửi đến Kho bạc để thanh toán, tránh dồn vào những tháng cuối năm.

Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 31,65%, tương đương trên 907 tỷ đồng, trong khi kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 Quảng Trị được phân bổ là trên 2.866 tỷ đồng, UBND tỉnh này cho rằng, nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19 đã làm thiếu hụt vật liệu xây dựng, dẫn đến cung không đủ cầu. Nhưng nguyên nhân chính là do nhiều nhà thầu không thể huy động đủ nhân công làm việc, làm cho tiến độ thi công của các dự án bị chậm, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm theo.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ông đã giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh để cùng các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án. “UBND tỉnh sẽ gắn trách nhiệm với người đứng đầu của từng đơn vị để đốc thúc tiến độ giải ngân”, ông Hưng nói.

Khánh Hòa cũng là một địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2021 rất thấp. Đến ngày 30/7/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh này mới đạt 28,9% kế hoạch Chính phủ giao, 32,4% kế hoạch tỉnh giao.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh này cho hay, Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, khiến hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thực sự cấp bách do chính quyền cấp huyện quyết định phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Vì vậy, hiện nay, những công trình tạm dừng thi công đều bị ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ tham gia công tác quản lý dự án ODA một phần chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, trong khi thời gian thực hiện thủ tục về đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước còn kéo dài.

“Trước thực tế đó, UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, đôn đốc, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định là đến ngày 30/9/2021 phải giải ngân được ít nhất 60% vốn đầu tư công và đến ngày 31/01/2022 hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Hà Tĩnh là một địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tương đối cao (trên 55% kế hoạch), song tại địa phương này chưa có sự đồng đều trong việc giải ngân giữa các công trình và các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2021, Hà Tĩnh còn 203 dự án và 48 đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh cũng thể hiện ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục