Thương vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tưởng chừng sẽ nhanh chóng kết thúc trong năm nay, khi một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng tiết lộ đã đồng ý về chủ trương, phần còn lại thuộc về đàm phán giữa 2 bên.
Trước đó, cuối năm 2014, Vietcombank đã tiến hành đại hội cổ đông bất thường để thông qua chủ trương sáp nhập một ngân hàng nhỏ mà cái tên được nhắc đến nhiều là Saigonbank. Thế nhưng, cuộc hôn nhân này đã bất thành, khi đại hội cổ đông thường niên của Saigonbank trong quý II/2015 không thông qua chủ trương sáp nhập.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy (UBND TP.HCM) không đồng ý sáp nhập, dù lãnh đạo Saigonbank hiện nay đều đến từ Vietcombank. Mặt khác, Vietcombank cũng là cổ đông lớn của Saigonbank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 8,2%.
Sau đàm phán bất thành với Saigonbank, Vietcombank cho biết, sẽ không sáp nhập ngân hàng yếu kém và giữ vốn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Với phần vốn chiếm tỷ lệ hơn 8,24% tại Eximbank, các thông tin xuất hiện trên thị trường giữa tháng 7/2015 cho rằng, Vietcombank sẽ chuyển nhượng cho Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), mà người nhận chuyển nhượng là nguyên lãnh đạo Nam A Bank. Thế nhưng, phía Vietcombank lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank.
Thông tin Nam A Bank và Eximbank sẽ về chung nhà được đồn đoán từ giữa năm 2014 và càng “nóng” khi 2 ứng viên vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 đều đến từ Nam A Bank, cùng thôi nhiệm tại Nam A Bank để ứng cử vào HĐQT Eximbank, đại diện cho hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank.
Đáng chú ý, khi Nam A Bank tiến hành đại hội cổ đông bất thường ngày 17/4 miễn nhiễm chức danh Chủ tịch HĐQT với ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai bà Tư Hường) tại Nam A Bank, mọi đồn đoán lại liên quan đến “ghế nóng” của Eximbank.
Thế nhưng, mới đây, ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank khẳng định, Nam A Bank không nắm giữ cổ phiếu nào của Eximbank và ngân hàng này sẽ đi tiếp con đường tự tái cơ cấu mà NHNN phê duyệt từ năm ngoái. Đồng thời, Nam A Bank cũng không có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác như đồn đoán lâu nay.
Thị trường đang chờ đợi đại hội cổ đông bất thường của Eximbank. Nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, NHNN sẽ thông qua số cổ phần Vietcombank nắm giữ ở Eximbank và có thể đưa nhân sự của NHNN vào điều hành, quản lý Eximbank.
Ở tình thế ngược lại, Eximbank đang nắm 9,73% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhưng không còn cử người đại diện vốn tại ngân hàng này. Eximbank - Sacombank từng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện đầu năm 2013. Bản ghi nhớ khiến nhiều người liên tưởng đến một thương vụ hợp nhất. Tuy nhiên, sau một thời gian, 2 ngân hàng này đã chia tay theo lộ trình thoái vốn của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Sacombank vừa đưa ra thông báo cho biết, Eximbank không còn cử người đại diện phần góp vốn tại Sacombank.
Với cặp đôi Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) - Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), trước khi DongA Bank rơi vào kiểm soát đặc biệt của NHNN, trên thị trường xuất hiện thông tin hai ngân hàng này sẽ về chung một nhà. Nhưng DongA Bank khẳng định muốn đi theo con đường tự tái cơ cấu hướng đến kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược trong, ngoài nước.
Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh và không ít thương vụ M&A sớm hoàn tất như: DaiABank - HDBank; Habubank - SHB; Westernbank - PVFC, MDB - MaritimeBank, MHB - BIDV, Southern Bank - Sacombank. Ngoài ra, còn có các trường hợp bị mua lại với giá 0 đồng như VNCB, hay GP.Bank.
Ngoài Nam A Bank, một số ngân hàng nhỏ và vừa cũng đang thực hiện đề án tự tái cấu trúc như: VietABank, Kienlongbank, Bac A Bank, NCB, ABBank… Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu tự tái cơ cấu bằng nội lực không hoàn toàn dễ, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực lớn.