Cuộc vui vẫn tiếp tục
Theo khảo sát các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và nhà môi giới của Bloomberg trong tháng 12/2017, đa số các ý kiến nhận định, trái phiếu và chứng khoán tại các quốc gia đang phát triển sẽ đi lên năm 2018, bỏ khá xa các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, diễn biến của các đồng nội tệ tại thị trường mới nổi sẽ gặp nhiều trắc trở hơn trong thời gian tới.
“Môi trường kinh tế vĩ mô tại các thị trường mới nổi đã tạo điều kiện tuyệt vời cho sự tăng trưởng năm 2017 của các thị trường tài chính, khi tăng trưởng kinh tế ở mức tích cực, lạm phát thấp, nỗi lo lắng của giới đầu tư tập trung vào các động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các vấn đề tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc.
Đà tăng mà chúng ta đã chứng kiến trong năm nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2018. Tuy nhiên, sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh và lạm phát thấp, một số thời điểm điều chỉnh là điều không thể tránh được”, Hideo Shimomura, giám đốc quản lý quỹ tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management Co, hiện đang quản lý khối tài sản 114 tỷ USD cho biết.
Trong năm 2017, giới đầu tư cảm thấy hân hoan nhờ vào lợi suất trái phiếu cao, chứng khoán theo hướng lên giá, các thị trường mới nổi chống chọi tốt với các động thái theo chủ nghĩa bảo hộ nền sản xuất nội địa của Tổng thống Trump, đồng thời các xung đột địa chính trị trong khu vực từ Trung Đông cho tới Hàn Quốc đều không quá căng thẳng.
Tuy nhiên, sang năm 2018, nhà đầu tư sẽ trở nên “kén chọn” hơn đối với các tài sản đầu tư, nhằm gia tăng lợi nhuận hơn nữa, đồng thời tránh đổ tiền vào thị trường nhiều khả năng chịu tác động mạnh bởi chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo các chuyên gia, trong năm tới, đồng peso và thị trường trái phiếu Mexico, cùng thị trường chứng khoán Brazil sẽ là điểm đến ưa thích của giới đầu tư tại khu vực kinh tế mới nổi. Trong khi đồng lira (Thổ Nhĩ Kỳ) và thị trường chứng khoán nước này kém hấp dẫn nhất bởi tình trạng bất ổn chính trị tại đây.
Đông Nam Á có triển vọng tích cực
Trong số các thị trường mới nổi, Đông Nam Á được các nhà kinh tế đánh giá có triển vọng rất tích cực trong năm 2018, khi 6 nền kinh tế lớn trong khu vực giữ vững tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, Philippines và Việt Nam sẽ giữ vững vị trí hàng đầu với tăng trưởng GDP ước tính ở mức 6,6% và 6,5%.
Bên cạnh đó, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhích nhẹ lên mức 5,3% trong năm tới, so với mức 5,1% của năm 2017. Các quốc gia khác như Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Singapore ít có thay đổi trong tốc độ tăng trưởng thời gian tới.