Báo chí liên tục nhắc đến việc phải có tiền tín dụng để cứu chứng khoán, thậm chí lãnh đạo UBCK cũng đã lên tiếng góp ý vào quá trình điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, nhưng theo tôi đây là những vấn đề chưa chuẩn xác.
UBCK có chức năng quan trọng nhất là đảm bảo cho TTCK vận hành thông suốt, điều hòa quyền lợi giữa các thành viên thị trường. UBCK không có chức năng và không nên can thiệp vào việc điều hành chính sách tiền tệ. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên việc Nhà nước sử dụng các công cụ điều hành trong từng giai đoạn để đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế là bình thường. Nhà đầu tư đã tham gia TTCK là phải chấp nhận cuộc chơi có tính đặc thù và không thể trông chờ vào việc lúc nào Nhà nước cũng chăm chăm bảo vệ quyền lợi của mình, lúc nào thị trường cũng phải sinh lãi.
Bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang buộc cơ quan điều hành chính sách tiền tệ (NHNN) phải thực hiện 2 mục tiêu cơ bản là duy trì sức mua ngang giá của tiền đồng và kiềm chế lạm phát. Có thể những chính sách đưa ra có tác động phần nào đến diễn biến giá cổ phiếu, nhưng chúng ta không nên nhìn nhận một cách sai lầm rằng, phải có tiền tín dụng để “cứu” TTCK. Thực tế, TTCK chẳng cần ai phải cứu. TTCK cần một quá trình được phép hiệu chỉnh tự do và có các lực tác động qua lại để tạo ra cân bằng. Gia tăng dồn tín dụng vào chứng khoán có chăng chỉ giúp phục hồi tâm lý, chứ không giải quyết được căn cơ vấn đề.
Tôi hy vọng rằng, TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng vào cuối năm nay, nhưng để có được điều này, mỗi thành viên thị trường cần phải làm đúng việc của mình. UBCK với vai trò là cơ quan điều hành trực tiếp TTCK, phải làm tốt hơn công tác giám sát việc thực thi luật pháp của các thành viên; phải điều hòa hiệu quả hơn mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường. Thị trường đang tồn tại tình trạng có những CTCK rất được ưu ái trong khi một số công ty khác phải chật vật để được tham gia. Quyền lợi nhà đầu tư trong mối quan hệ lợi ích giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán, công ty niêm yết đang phát sinh nhiều vấn đề. Đó là vì sao? Liệu các mối quan hệ trên TTCK giữa các chủ thể đã công bằng hay chưa, liệu có sự xung đột lợi ích giữa các chủ thể?
Về phía DN niêm yết, quan trọng nhất vẫn là cải thiện chất lượng quản trị DN. Nếu giá cổ phiếu đã giảm đến mức hấp dẫn, tại sao lãnh đạo DN không tính đến việc mua cổ phiếu quỹ cho Công ty? Các DN niêm yết thử hỏi lại xem họ gửi thông điệp gì ra thị trường khi mà giá cổ phiếu giảm, ban lãnh đạo lại cùng nhau bán cổ phiếu?... Những vấn đề nội tại thị trường như vậy cần được nhìn nhận và giải quyết thấu đáo. Đừng trông chờ và đổ lỗi giá giảm cho chính sách điều hành thị trường tiền tệ (thiếu tín dụng), vì thực tế đây là kiểu đổ lỗi rất... vô duyên.