Cuộc họp chính sách của ECB
Trong cuộc họp chính sách hôm thứ Năm (24/7), các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2%, trì hoãn việc đáp trả mức thuế quan 30% của Tổng thống Trump cho đến khi chúng trở thành hiện thực và tác động của chúng có thể được đánh giá tốt hơn.
ECB đã cắt giảm lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác, và lãi suất hiện ở mức 2% đang là trọng tâm trong ước tính của ECB về phạm vi trung lập. Với tốc độ cắt giảm và mức lãi suất hiện tại, tháng 7 là cơ hội tốt để tạm dừng và đánh giá động thái tiếp theo.
Lạm phát trong tháng 6 đã đạt mục tiêu 2% của ECB và hoạt động kinh tế Khu vực đồng Euro đã giảm bớt. Do đó, không cần phải thay đổi chính sách tiền tệ một cách cấp bách. Chủ tịch Christine Lagarde đã phát biểu vào đầu tháng 7 rằng bà nghĩ lãi suất "đang ở mức tốt", báo hiệu ý định giữ nguyên lãi suất.
Bên cạnh những lo ngại về thuế quan, đồng euro đã mạnh lên, làm giảm triển vọng lạm phát và đe dọa gây thêm áp lực lên các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng chính trị khác ở Pháp có thể đang âm ỉ do tình hình tài chính công phình to của nước này.
Trong bối cảnh đó, ECB có thể gợi mở về khả năng cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9, ngay cả khi họ vẫn giữ nguyên cách tiếp cận "từng cuộc họp một".
“Chúng tôi dự đoán ngôn ngữ của Hội đồng Thống đốc ECB sau cuộc họp ngày 24/7 sẽ tương tự như trong cuộc họp tháng 6, để ngỏ khả năng cắt giảm thêm lãi suất mà không cần đưa ra cam kết”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Tranh luận về việc Fed hạ lãi suất nóng lên
Tuần qua, Thống đốc Fed Christopher Waller đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc cắt giảm lãi suất trong tháng 7. "Với lạm phát gần mục tiêu và rủi ro lạm phát tăng hạn chế, chúng ta không nên đợi đến khi thị trường lao động xấu đi mới cắt giảm lãi suất chính sách", ông cho biết.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây trên thị trường cho thấy các nhà đầu tư ngày càng kém lạc quan về việc cắt giảm lãi suất. Dấu hiệu lạm phát tiêu dùng ổn định kết hợp với báo cáo doanh số bán lẻ tháng 6 mạnh hơn dự kiến và số liệu thất nghiệp hàng tuần đã đẩy lùi các dự đoán về việc cắt giảm lãi suất.
"Chúng tôi kỳ vọng ủy ban sẽ đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 khi quan điểm cứng rắn suy yếu khi thị trường việc làm nới lỏng hơn nữa và không có dấu hiệu nào cho thấy thuế quan sẽ lan sang xu hướng lạm phát rộng hơn", Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế trưởng của Citi cho biết.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã khởi đầu đầy ấn tượng, với sức mạnh của người tiêu dùng thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, phản ứng khá im ắng cho thấy dấu hiệu rằng phần lớn tin tốt đã được phản ánh vào giá.
Về ngành tài chính, với những con số ấn tượng trong tuần này nhưng không thể thúc đẩy cổ phiếu. "Cho đến nay, ngành tài chính đã vượt xa kỳ vọng lợi nhuận quý II, nhưng thị trường chứng khoán chỉ chứng kiến những phản ứng khá im ắng do các nhà đầu tư phần lớn đã dự đoán kết quả", các chiến lược gia của Bloomberg Intelligence cho biết.
“Với định giá cổ phiếu hiện tại, tất cả những tin tốt đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu”, Greg Taylor, giám đốc đầu tư tại PenderFund Capital Management Ltd. cho biết.
Chỉ số S&P 500 đã đóng cửa gần mức cao mới vào thứ Sáu (17/7), sau khi lập bảy kỷ lục mới chỉ trong 15 phiên giao dịch. Tuần này, các nhà đầu tư sẽ đón nhận kết quả kinh doanh từ một loạt các công ty công nghệ lớn bao gồm Alphabet và Tesla.
Bầu cử Nhật Bản
Hôm 20/7, cử tri Nhật Bản đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện, sự kiện có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cục diện chính trị Nhật Bản, cũng như sẽ có tác động đáng kể tới thị trường tài chính của nước này.
Trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đã giảm mạnh trong tuần qua, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đạt mức cao kỷ lục, trong khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng so với đồng đô la và đồng euro.
Các nhà phân tích cho rằng kịch bản lạc quan nhất cho thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) và đồng yên là nếu chính phủ hiện tại có thể giữ được đa số ghế trong Thượng viện.
Gánh nặng nợ công tổng thể của chính phủ, mặc dù vẫn ở mức cao nhất trong các nước phát triển, khoảng 250% tổng sản phẩm quốc nội nhưng đang có xu hướng giảm.
"Khó có thể kết luận rằng tình hình tài chính của Nhật Bản đang trên đà suy thoái liên tục…Sau khi cuộc bầu cử Thượng viện kết thúc, áp lực tăng lãi suất xuất phát từ kỳ vọng tăng chi tiêu tài chính có thể bắt đầu giảm bớt”, Koichi Fujishiro, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết.