Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Dữ liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ được công bố hôm thứ Ba (15/7) được cho là khó có thể thúc đẩy sự cấp bách trong việc hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Các nhà kinh tế Phố Wall dự đoán lạm phát tháng 6 sẽ tiếp tục cao hơn với mục tiêu của Fed, với giá tiêu dùng cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) dự kiến sẽ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 6. Trên cơ sở theo tháng, cả lạm phát cơ bản và lạm phát tổng thể dự kiến sẽ tăng 0,3%.
"Dữ liệu lạm phát phù hợp với dự báo của chúng tôi sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang phải tạm dừng hạ lãi suất để đánh giá tác động của thuế quan đối với lạm phát, vốn mới chỉ bắt đầu xuất hiện", các nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết.
Theo quan điểm của Oxford, tất cả những điều này có thể khiến Fed khó có thể hạ lãi suất, ít nhất là cho đến hết mùa hè.
Dữ liệu từ CME Group hiện cho thấy các nhà giao dịch chỉ dự đoán xác suất rất thấp về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng này. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định với lời kêu gọi hạ lãi suất và mong muốn Chủ tịch Fed Jerome Powell nên từ chức ngay lập tức.
Mặc dù các quốc gia có thể đàm phán để giảm thuế suất, nhưng sự bất ổn về chính sách này khiến Fed khó cắt giảm lãi suất hơn.
"Chủ tịch Powell đã nhiều lần lập luận rằng Fed muốn có sự rõ ràng hơn về tác động của những thay đổi chính sách trước khi đưa ra động thái tiếp theo…Sự rõ ràng như vậy có thể sẽ không đạt được nếu có nguy cơ xuất hiện thêm những thay đổi có ý nghĩa đối với chính sách thuế quan”, các nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết.
Thị trường chứng khoán phớt lờ áp lực thuế quan
Theo các nhà đầu tư lớn và các chuyên gia ngân hàng cấp cao, mức cao kỷ lục của chứng khoán Mỹ đã che khuất những rủi ro mà Tổng thống Trump gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giám đốc điều hành JPMorgan, Jamie Dimon cho biết: “Thật không may, tôi nghĩ rằng có sự tự mãn trên thị trường…Thị trường đang giả định rằng phần lớn chính sách thuế quan này sẽ biến mất, và tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra…Tổng thống Trump luôn thích thuế quan”.
Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 30% từ mức thấp nhất hồi tháng 4, phục hồi kể từ khi Tổng thống Trump tạm dừng các mức thuế quan sâu rộng mà ông đã công bố trong ngày 2/4.
Tuần qua, thị trường chứng khoán phần lớn đã bỏ qua những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế quan mạnh tay hơn đối với hơn 20 quốc gia, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Tổng thống Trump cũng công bố kế hoạch tăng thuế đối với đồng, dược phẩm và chất bán dẫn.
"Các nhà đầu tư đang hướng đến giai đoạn cuối năm nay và sang năm tới khi các yếu tố cơ bản được cải thiện, và họ sẵn sàng bỏ qua một số bất ổn ngắn hạn khi đến thời điểm đó", Chris Fasciano, chiến lược gia thị trường trưởng tại Commonwealth Financial Network cho biết.
Theo Anthony Saglimbene, chiến lược gia thị trường trưởng tại Ameriprise Financial, hầu hết các nhà đầu tư dường như đang trông đợi vào việc Mỹ sẽ tránh được mức thuế quan cao hơn khi Nhà Trắng đạt được các thỏa thuận trong những tuần tới với các đối tác thương mại như Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Đó là những gì thị trường đã tích lũy…Nếu như không đạt được điều đó, thì tôi nghĩ có lẽ sẽ có một số rủi ro rằng chúng ta sẽ chứng kiến một số biến động mạnh hơn trong ngắn hạn nếu Nhà Trắng thực sự áp dụng một số biện pháp thuế quan mạnh tay này”, ông cho biết thêm.
Châu Âu tuyên bố sẽ đáp trả thuế quan của Mỹ
Cuối tuần qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã tuyên bố sẵn sàng công bố thuế quan đáp trả để bảo vệ lợi ích của mình nếu Mỹ tiếp tục áp thuế 30% đối với hàng hóa châu Âu từ ngày 1/8.
Đòn tấn công mới nhất của Tổng thống Trump đã gây bất ngờ cho khối EU - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - vốn đã hy vọng tránh được một cuộc chiến thương mại leo thang sau các cuộc đàm phán căng thẳng.
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết biết sẽ sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận trước ngày 1/8, nhưng sẵn sàng giữ vững lập trường.
"Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng nếu cần thiết", bà cho biết về khả năng áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào châu Âu.