Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Dữ liệu CPI tháng 7 được công bố vào thứ Tư (14/8) dự kiến sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed. Dữ liệu lạm phát hạ nhiệt sẽ có thể xoa dịu nỗi lo rằng Fed đã khiến nền kinh tế lao dốc bằng cách giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian quá dài, trong khi dữ liệu lạm phát tăng có thể làm gia tăng nỗi lo suy thoái, có khả năng gây ra biến động mới trên thị trường.
CPI tháng 7 dự kiến sẽ tăng 0,2% so với tháng 6. Mặc dù tăng tốc so với tháng 6, nhưng lạm phát so với cùng kỳ năm trước dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm 2021.
Cuối tuần qua, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Michelle Bowman đã lưu ý một số tiến triển "đáng hoan nghênh" hơn nữa về lạm phát trong vài tháng qua ngay cả khi lạm phát vẫn "cao hơn đáng kể" so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và có nguy cơ gia tăng.
"Nếu dữ liệu đầu vào tiếp tục cho thấy lạm phát đang tiến triển bền vững theo hướng mục tiêu 2% của chúng tôi, thì việc hạ dần lãi suất quỹ liên bang sẽ trở nên phù hợp để ngăn chính sách tiền tệ trở nên quá hạn chế đối với hoạt động kinh tế và việc làm…Nhưng chúng ta cần kiên nhẫn và tránh làm suy yếu tiến trình liên tục trong việc hạ lạm phát bằng cách phản ứng thái quá với bất kỳ điểm dữ liệu nào", bà cho biết.
Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội lắng nghe ý kiến từ một số quan chức Fed trong tuần này, bao gồm Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker và Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee.
Rủi ro thị trường biến động
Các nhà đầu tư nhiều khả năng vẫn sẽ lo lắng trong tuần này sau đợt lao dốc của thị trường chứng khoán vào đầu tuần trước do sự kết hợp giữa nỗi lo suy thoái của Mỹ và việc các giao dịch chênh lệch lãi suất toàn cầu được tài trợ bằng đồng yên được gỡ bỏ.
Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước đã cho thấy nỗi lo về sức khỏe của thị trường lao động đã bị thổi phồng quá mức, giúp thị trường phục hồi phần lớn mức sụt giảm vào đầu tuần qua.
Trọng tâm trong tuần này sẽ là liệu số liệu lạm phát sắp tới của Mỹ có tiếp tục hạ nhiệt hay không và liệu các giao dịch chênh lệch lợi suất toàn cầu còn tiếp tục được tháo gỡ bao nhiêu nữa.
Mối lo ngại về xung đột ở Trung Đông đang lan rộng và cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ cũng có nghĩa là sự biến động mạnh nhiều khả năng sẽ tiếp tục.
Giá dầu
Giá dầu tăng vào tuần trước khi các nhà hoạch định chính sách Fed bình luận rằng họ có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 9 đã làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu dầu, trong khi lo ngại về một cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông tiếp tục làm gia tăng rủi ro về nguồn cung.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 3,5% trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng hơn 4% trong tuần qua.
Bên cạnh đó, lo ngại về viễn cảnh suy thoái đã lắng xuống, củng cố triển vọng nhu cầu dầu.
Đồng thời, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng có thể làm gián đoạn sản lượng của khu vực và làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong khi khả năng Iran tấn công trả đũa Israel đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu từ khu vực sản xuất lớn nhất thế giới.
Dữ liệu kinh tế Anh
Anh sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế sẽ cung cấp thông tin về triển vọng chính sách tiền tệ trong vài tháng tới.
Dữ liệu về tăng trưởng tiền lương dự kiến được công bố vào thứ Ba (13/8), tiếp theo là số liệu lạm phát sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm dấu hiệu của áp lực giá kéo dài, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ vẫn đang tăng trưởng mạnh.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020 vào đầu tháng này và hiện tại, thị trường đang định giá khoảng 33% khả năng sẽ có một đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp vào tháng 9.