Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ là thông tin thu hút sự chú ý trong tuần này trong bối cảnh giá dầu tiếp tục tăng cao làm tăng nguy cơ thúc đẩy lạm phát có xu hướng quay trở lại.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu lạm phát của Mỹ

Trước cuộc họp chính sách ngày 19/9 và 20/9, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp nhận một số dữ liệu lạm phát quan trọng khác. Vào thứ Tư (13/9), dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 sẽ được công bố và kế đó là chỉ số giá sản xuất sẽ được công bố vào ngày tiếp theo.

CPI cơ bản - không bao gồm thực phẩm và năng lượng - được dự báo sẽ có mức tăng hàng tháng thứ ba liên tiếp là 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, thước đo lạm phát cơ bản quan trọng này có thể đã tăng 4,3%, mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021.

Dữ liệu được công bố dự kiến sẽ phù hợp với kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Fed về việc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp sắp tới. Trong khi lạm phát cơ bản hạ nhiệt, CPI toàn phần được dự báo sẽ tăng tốc so với một tháng trước đó do giá xăng tăng cao.

Các báo cáo kinh tế khác của Mỹ bao gồm sản xuất công nghiệp tháng 8 và tâm lý người tiêu dùng tháng 9 cũng sẽ được công bố trong tuần này.

Cuộc họp của ECB

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách vào thứ Năm (14/9) để đưa ra quyết định lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách sẽ quyết định về việc liệu có tăng chi phí vay lần thứ 10 liên tiếp hay sẽ chọn tạm dừng tăng lãi suất và các thông điệp được đưa ra là vấn đề mà các nhà đầu tư đang quan tâm.

Vấn đề nan giải mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là liệu lạm phát – vẫn ở mức trên 5% – có thể chậm lại mà không cần thực hiện thắt chặt hơn hay không, khi ngày càng có nhiều bằng chứng về sự yếu kém của nền kinh tế khu vực đồng euro và độ trễ mà các động thái chính sách có tác động.

Một viễn cảnh đáng ngại mà các nhà hoạch định chính sách đã xem xét vào tháng 7 là cả mức tăng trưởng yếu và giá tiêu dùng tăng liên tục đều có thể xảy ra - hay còn gọi là hiện tượng đình lạm.

Dù kết quả cuộc họp tháng 9 thế nào, có khả năng là Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ muốn truyền tải thông điệp rằng ECB sẽ không để lạm phát tiếp tục duy trì, có lẽ có nghĩa là lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao để đảm bảo công việc được hoàn thành.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc

Một loạt số liệu từ Trung Quốc có thể sẽ thu hút sự chú ý nhiều nhất trong số các công bố dữ liệu kinh tế ở châu Á trong tuần này.

Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ công bố vào thứ Sáu (15/9) đều dự kiến sẽ tăng trong tháng 8, có khả năng đưa ra tín hiệu sớm rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất.

Dữ liệu tuần qua cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc đã quay trở lại mức tăng trưởng dương trong tháng 8 trong khi tốc độ giảm của giá sản xuất chậm lại do áp lực giảm phát giảm bớt trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu ổn định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cần có thêm hỗ trợ chính sách để củng cố nhu cầu tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh quá trình phục hồi thị trường lao động đang chậm lại và kỳ vọng về thu nhập hộ gia đình không chắc chắn.

Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International cho biết: “Có một chút cải thiện trong dữ liệu lạm phát. Trong khi đó, giảm phát của giá sản xuất dường như đang thu hẹp, cho thấy quá trình khôi phục chậm và vừa phải. Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát vẫn cho thấy nhu cầu yếu và cần có thêm hỗ trợ chính sách trong tương lai gần”.

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh

Trong tuần qua, cả dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 2% sau mức tăng trong tuần trước là khoảng 5% đối với dầu Brent và khoảng 7% đối với dầu WTI.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA cho biết: “Giá dầu thô tiếp tục giao dịch do các động lực từ phía nguồn cung. OPEC+ sẽ giữ thị trường này thắt chặt trong mùa đông”.

Ả Rập Xê Út và Nga đã gia hạn việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ cũng đang theo dõi xem liệu các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu có tiếp tục chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất hay không.

Nhà phân tích John Evans của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Ả Rập Xê Út nhận thức sâu sắc về mối ràng buộc chặt chẽ giữa việc thắt chặt thị trường và làm đảo lộn mọi mức tăng của giá dầu đạt được cho đến nay của các ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát do giá tăng”.

Thị trường chứng khoán đã bắt đầu cảm nhận được tác động lan tỏa từ giá dầu tăng cao. Với giá dầu thô và nhiên liệu tinh chế tăng cao, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng lạm phát có thể tăng tốc trở lại sau hơn một năm chững lại.

Và điều đó có thể buộc Fed phải giữ lãi suất chuẩn cao hơn trong thời gian dài hơn, hoặc thậm chí tiếp tục tăng lãi suất.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ