Fed tăng lãi suất
Với việc Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp diễn ra sẽ diễn ra vào ngày 3 - 4/5 tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các tín hiệu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách về con đường tương lai của lãi suất, đồng thời là kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD và quan điểm của Fed về thời điểm lạm phát có thể đạt đỉnh.
Nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích tin rằng, Fed sẽ tiếp tục gây bất ngờ về quan điểm diều hâu khi nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng mạnh nhất trong bốn thập kỷ, làm dấy lên lo ngại việc thắt chặt tiền tệ nhanh chóng có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Quan điểm của các nhà hoạch định chính sách của Fed về việc tốc độ lạm phát hiện tại dự kiến sẽ duy trì như thế nào sẽ rất quan trọng đối với các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai.
Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors cho biết: “Nếu Fed tiếp tục kỳ vọng mức lạm phát cao và họ không thấy lạm phát được điều tiết trong tương lai, thì đó sẽ là mối lo ngại đối với các nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ, điều mà thị trường đang kỳ vọng nhưng thậm chí có thể mạnh tay hơn".
Dữ liệu kinh tế
Báo cáo số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 4 của Mỹ sẽ được công bố hôm thứ Sáu (6/5) dự kiến cho thấy, nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 380.000 việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,5%.
Báo cáo việc làm được đưa ra dựa trên dữ liệu trong tuần qua cho thấy, nền kinh tế Mỹ bất ngờ thu hẹp trong quý I nhưng sự suy giảm phần lớn là do thâm hụt thương mại nhiều hơn khi nhập khẩu tăng mạnh và tốc độ tích lũy hàng tồn kho chậm lại. Nhu cầu trong nước vẫn mạnh, làm giảm bớt lo ngại về suy thoái.
Tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế tiếp tục bị che khuất bởi những lo ngại về tác động kinh tế của xung đột ở Ukraine, lợi tức trái phiếu tăng, chiến lược kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc có thể cản trở những cải thiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, tháng 4 đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất của S&P 500 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, trong khi chỉ số Nasdaq đã ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed đã tác động lên các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng mạnh.
Việc bán tháo đã tăng tốc vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (29/4) khi chỉ số S&P 500 giảm 3,6% - mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 6/2020 - sau báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng và dự báo từ Amazon khiến cổ phiếu của công ty này giảm 14%.
Ngoài cuộc họp của Fed, báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp và báo cáo việc làm tháng 4, lịch kinh tế có một số báo cáo kinh tế quan trọng trong tuần này bao gồm chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ. Dữ liệu này có thể sẽ nhấn mạnh quan điểm rằng nền kinh tế sẽ mở rộng trong quý II và giữ cho kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đi đúng hướng.
Cuộc họp của ngân hàng trung ương Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được cho là sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất thứ tư liên tiếp trong cuộc họp diễn ra sau Fed một ngày vào thứ Năm (5/4), như vậy đây sẽ là lần đầu tiên BoE thực hiện điều đó kể từ năm 1997.
Thống đốc BoE, ông Andrew Bailey cho biết, ngân hàng đang vượt qua một "ranh giới rất chặt chẽ" giữa việc kiềm chế lạm phát đang ở mức 7%, gấp hơn ba lần mục tiêu của ngân hàng trung ương và tránh đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Mức tăng lãi suất 0,25% lên 1% sẽ đáp ứng điều kiện tiên quyết để BoE bắt đầu tích cực bán ra trái phiếu mà họ nắm giữ.
Trong khi đó, hoạt động bán trái phiếu tích cực sẽ làm thắt chặt các điều kiện tiền tệ nhưng có thể làm tổn hại đến nền kinh tế đang chững lại và chưa có ngân hàng trung ương lớn nào bắt đầu quá trình này.