Báo cáo CPI của Mỹ
Báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ với thêm 467.000 việc làm đã gây ngạc nhiên cho các nhà kinh tế và nhà phân tích vì trước đó dự kiến rằng sự gián đoạn của biến thể Omicron có thể có tác động nghiêm trọng hơn. Điều này một phần chứng tỏ đại dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân gây lo ngại lớn trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khá nóng và lạm phát tăng cao.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ sẽ được công bố thứ Năm (10/2). Các nhà kinh tế kỳ vọng CPI trong tháng 1 sẽ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) cũng dự kiến ở mức tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,9% so với năm trước.
Với những dự báo rằng, Fed có thể tăng lãi suất 4 lần trong năm hoặc thậm chí Fed có thể tăng lãi suất 0,5% vào tháng 3, báo cáo này sẽ có sức nặng thực sự và mang tính quyết định tới việc Fed tăng lãi suất.
“Chúng tôi có thể nhận được một số cải thiện tuần tự về chỉ số lạm phát. Chỉ số CPI theo từng tháng có thể có sự chuyển động đúng hướng”, Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities cho biết.
Ông cho biết, lạm phát dự kiến sẽ tăng 0,4%, giảm so với mức 0,5% trong tháng 12/2021. Nhưng với mức tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước thì vẫn là con số rất cao.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine
Các nỗ lực ngoại giao và điều động quân sự đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng như các nước phương Tây. Reuters đưa tin rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Nga để trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin vào thứ Hai (7/2) và thứ Ba (8/2), trong khi tờ Washington Post đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào thứ Hai (7/2).
Căng thẳng giữa Ukraine và Nga và bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn là rất quan trọng và tác động tới nhiều khía cạnh. Từ góc độ thị trường, giá dầu đã vượt qua ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi giá dầu tiếp tục tăng mạnh như trong thời gian gần đây sẽ có tác động tới giá khí đốt, và giá khí đốt tự nhiên sẽ trong tiêu điểm và dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự leo thang nào giữa Ukraine và Nga.
Tiền điện tử hồi phục trở lại
Sau khi mất gần 20% vào tháng 1, Bitcoin đã tăng gần 8% vào tháng 2 và Ethereum đã tăng gần 12%.
Sự phục hồi của tiền điện tử diễn ra có tương quan khá lớn với mức đáy của chỉ số Nasdaq từ đợt điều chỉnh trong tháng 1, điều này cho thấy rằng hiệu suất tiền điện tử và cả cổ phiếu công nghệ có mối tương quan khá cao về khẩu vị rủi ro.
Mặt khác, bitcoin thường được xem như một kênh đầu tư để chống lại lạm phát tăng cao, do đó báo cáo CPI có thể là chất xúc tác tiếp theo ảnh hưởng tới xu hướng của tiền điện tử.
Báo cáo lợi nhuận quý IV/2021
Báo cáo lợi nhuận quý IV/2021 của Meta đã gây thất vọng cho giới đầu tư vì lợi nhuận sụt giảm mạnh hơn dự kiến và với lợi nhuận được dự báo sẽ thấp hơn trong giai đoạn tới, điều này là một dấu hiệu mới cho thấy các xu hướng được hưởng lợi liên quan đến đại dịch đã không còn nữa đối với các công ty công nghệ.
Ngoài ra, một câu chuyện lớn khác cần theo dõi trong mùa báo cáo lợi nhuận này là tác động của lạm phát đối với các công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hàng loạt các công ty Mỹ từ lĩnh vực vật liệu, hàng tiêu dùng và thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, tất cả đều sẽ bổ sung vào bức tranh về mức độ lan rộng của lạm phát và liệu lạm phát có dấu hiệu giảm bớt ở phía trước hay không là điều mà giới đầu tư đang quan tâm.