Các quốc gia châu Á và châu Phi ngày càng ưa chuộng tiền kỹ thuật số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động của các loại tiền kỹ thuật số đối với nền kinh tế châu Phi và châu Á được cho là đáng kể trong những năm tới, giúp giảm lạm phát và thay đổi tương lai của các giao dịch tiền tệ.
Các quốc gia châu Á và châu Phi ngày càng ưa chuộng tiền kỹ thuật số

Bhutan - quốc gia hạnh phúc nằm kề dãy Himalaya gần đây đã gây chú ý khi Forbes báo cáo rằng, nước này đã bí mật khai thác Bitcoin (BTC) trong nhiều năm. Tờ báo địa phương The Bhutanese cũng cho biết, nhà đầu tư ban đầu vào nhóm Bitcoin là quỹ đầu tư Nhà nước Druk Holding & Investments, sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 2,9 tỷ USD.

Khi Druk Holding & Investments thành lập vào năm 2007, quỹ này được giao trọng trách bảo vệ sự thịnh vượng của đất nước vì lợi ích lâu dài của các cổ đông và người dân Bhutan. Hiện quỹ đang giám sát 21 công ty trong nước.

Công ty đã tham gia thị trường từ năm 2019, khi giá Bitcoin vào khoảng 5.000 USD/BTC và thu nhập được dùng để trợ cấp chi phí điện, cùng các cơ sở hạ tầng của quốc gia.

Giống như các quốc gia khác đang nghiên cứu về tiền điện tử, nhiều yếu tố kinh tế đã giải thích cho sự quan tâm của Bhutan đối với Bitcoin. Cập nhật về phát triển của Bhutan, một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, sản lượng thủy điện của Bhutan, nơi cung cấp 14% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và 26% doanh thu hàng năm của Chính phủ đã giảm 3% trong năm 2017-2018. Các dự án thủy điện bị trì hoãn khiến đất nước phải trả giá đắt.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, doanh thu du lịch cũng bị ảnh hưởng. Những vấn đề này có thể đã thúc đẩy Chính phủ bắt tay vào khai thác Bitcoin nhưng không công khai hành động này.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bloomberg cho biết chi nhánh đầu tư của Bhutan có thỏa thuận với công ty khai thác Bitcoin Bitdeer Technologies để tìm kiếm các nhà đầu tư và xây dựng một quỹ trị giá 500 triệu USD nhằm đầu tư thêm Bitcoin.

Ông Duncan Bonfield, CEO của Diễn đàn quốc tế về các quỹ tài sản Nhà nước cho biết, các nhà quản lý đã suy đoán về việc nhiều quỹ đầu tư được Chính phủ hậu thuẫn đang bắt đầu mua vào tiền mã hóa. Tuy nhiên, các thông tin chính thống cho thấy các quỹ nhà nước chỉ mua và nắm giữ cổ phần của các công ty tiền mã hoá và chưa có quỹ nào trực tiếp nắm giữ tiền mã hoá.

Ông Bonfield cho biết: "Chúng tôi thực sự không mấy quan tâm đến tiền mã hóa, đồng thời không coi chúng là một loại tài sản. Chúng tôi tin rằng không thành viên nào của diễn đàn nắm giữ tiền mã hóa trong danh mục đầu tư của họ".

Tuy nhiên, hành trình Bitcoin đáng ngạc nhiên của Bhutan giúp chúng ta nhớ đến hành trình của một quốc gia khác. Hai năm trước, El Salvador đã đấu thầu hợp pháp Bitcoin tại đất nước và đầu tư khoảng 20,9 triệu USD vào lĩnh vực tiền điện tử. Tuy nhiên, thử nghiệm đã phản tác dụng khi Bitcoin mất hơn một nửa giá trị một năm sau đó, dẫn đến khoản lỗ khoảng 60 triệu USD cho Chính phủ.

Dường như Bitcoin, ngôi sao sáng trên thị trường tiền điện tử đã lu mờ dần và phí giao dịch của nó đã tăng lên. Điều này gây áp lực lên người dân ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời như một lời nhắc nhở tiền điện tử vẫn là một tài sản không ổn định. Hơn nữa, nó ngày càng được các tội phạm mạng ưa thích trên các web đen.

Mặc dù các quốc gia châu Á khác đã cảnh giác với tiền điện tử ngay từ đầu, nhưng chính phủ các nước này lại đang nhắm tới phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), đại diện cho tiền tệ quốc gia của họ.

Năm 2021, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên tạo ra loại tiền kỹ thuật số của riêng mình (e-CNY) và được sử dụng trong hơn 360 triệu giao dịch trị giá hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD).

Cùng với đó, tiền kỹ thuật số cũng đang đạt được sức hút lớn ở Nigeria. Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista, gần một phần ba người Nigeria cho biết họ đã sử dụng hoặc sở hữu tiền điện tử, được xem là tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Nigeria có 1,1 triệu giao dịch tiền điện tử mỗi tháng trên nền tảng Paxful vào năm 2020.

Ngoài ra, Nigeria đã ra mắt CBDC - đồng eNaira vào tháng 10/2021 và là quốc gia châu Phi đầu tiên làm như vậy. Vì nó có cùng giá trị với đồng Naira vật lý, nên giá trị của eNaira sẽ tăng hoặc giảm so với đồng USD giống như đối với tiền giấy. Do đó, nó không có khả năng biến động như Bitcoin.

Sức hấp dẫn của eNaira nằm ở tính thực tiễn của nó, đặc biệt là đối với cộng đồng người Nigeria hải ngoại. Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về eNaira cho biết, tiền kỹ thuật số hầu như không tốn chi phí chuyển giữa các ví. Điều này có thể giúp nó trở thành một lựa chọn ưu tiên so với chi phí chuyển tiền quốc tế cao, điều này đặc biệt hữu ích cho cộng đồng người Nigeria ở nước ngoài vì nó chuyển thành khoản tiết kiệm đáng kể.

Singapore và Nhật Bản đã thận trọng thử nghiệm về tiền kỹ thuật số. Tháng 2 vừa qua, Nhật Bản cho biết sẽ khởi động một dự án thí điểm để kiểm tra khả năng tồn tại của đồng Yên kỹ thuật số.

Tương tự, dự án Ubin của Singapore là một sáng kiến nghiên cứu hợp tác giữa cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia và ngành được thực hiện theo từng giai đoạn trong 5 năm. Nó đã đánh giá liệu công nghệ chuỗi khối và sổ cái phân tán có thể được sử dụng để thanh toán bù trừ và giải quyết các khoản thanh toán và chứng khoán hay không. Điều này sẽ cho phép các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư doanh nghiệp giao dịch bằng tiền kỹ thuật số và tài sản chứng khoán được mã hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm rủi ro thanh toán.

Một chuyên gia công nghệ tại Ấn Độ nhận định rằng, các quốc gia châu Á và châu Phi đang dẫn đầu trong việc phát triển các loại tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, rủi ro cố hữu trong các nền kinh tế không dùng tiền mặt là chúng có xu hướng minh bạch đến mức mất hoàn toàn quyền riêng tư. Chính phủ có thể theo dõi tất cả các giao dịch nếu họ muốn. Trong khi đó, mối đe dọa lừa đảo và đánh cắp dữ liệu vẫn luôn tiềm ẩn.

Theo vị chuyên gia này, tác động của các loại tiền kỹ thuật số đối với các nền kinh tế châu Phi và châu Á sẽ rất đáng kể trong những năm tới, giúp giảm lạm phát và thay đổi tương lai không chỉ của các giao dịch tiền tệ mà cả sự cân bằng quyền lực trên thế giới như chúng ta đang thấy.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục