“Làn sóng virus thứ hai này là mối lo ngại của các nhà đầu tư, nhưng tôi nghĩ điểm khác biệt lần này là không giống như giai đoạn tháng 3. Lần này, rất khó có thể đóng cửa kinh tế toàn cầu một lần nữa”, Suresh Tantia, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Credit Suisse cho biết.
“Nếu nhìn vào đợt bán tháo tháng 3, lý do các thị trường bị bán tháo không phải vì lo ngại về virus, mà chủ yếu là do lo sợ nền kinh tế toàn cầu đóng cửa. Một vài điều đáng lo ngại đối với các thị trường, nhưng miễn là chúng ta không thấy sự lặp lại của tháng 3. Tôi nghĩ rằng, thị trường sẽ xem xét điều này và tập trung nhiều hơn vào sự phục hồi trong vài quý tới”, ông nói thêm.
Mỹ hiện đang có số trường hợp nhiễm bệnh mới cao nhất trong một ngày vào thứ Tư (24/6) với 45.557 trường hợp, theo số liệu của NBC News.
California đã chứng kiến hơn 7.000 trường hợp nhiễm mới kể từ thứ Ba (23/6), tăng 69% chỉ trong hai ngày. Florida cũng báo cáo một số lượng kỷ lục các trường hợp mới. California và Florida đại diện cho hai trong số các nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ.
Ở châu Á, Hàn Quốc cũng đang chiến đấu với đợt lây nhiễm thứ 2 ở thủ đô Seoul. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà chức trách đã khôi phục một số hạn chế khi một số ca nhiễm xuất hiện tại một chợ bán buôn trong thành phố và Bắc Kinh cũng nói rằng, tình hình đã được kiểm soát, theo Reuters.
Hartmut Issel, Giám đốc đầu tư UBS Global Wealth Management cũng nói với CNBC vào hôm thứ Ba (23/6), rằng các quốc gia rất khó có thể thực hiện phong tỏa lần nữa.
“Đóng cửa toàn bộ quốc gia có thể tổn thất đến 3% GDP mỗi tháng, do đó ngay cả những quốc gia giàu nhất hành tinh cũng không đủ khả năng phong tỏa đất nước 2 hay 3 tháng nữa”, ông nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo kinh tế một lần nữa vào thứ Tư (24/6) và cảnh báo rằng, các khoản tài chính của chính phủ sẽ xấu đi đáng kể khi họ cố gắng đối phó với sự sụp đổ từ đại dịch.
IMF ước tính với mức thu hẹp 4,9% GDP toàn cầu trong năm 2020 so với mức dự báo giảm 3% mà tổ chức này đưa ra vào tháng 4.
IMF giải thích rằng, các dự báo sửa đổi là do các biện pháp giãn cách xã hội có khả năng còn tồn tại trong nửa cuối năm nay, với năng suất và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.
Ở các quốc gia vẫn đang phải vật lộn với tỷ lệ lây nhiễm cao, IMF dự báo, việc phong tỏa lâu hơn sẽ khiến hoạt động kinh tế trở nên khó khăn hơn nữa.