Sau nhiều năm coi việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc là một trong những động lực phát triển, các quốc gia Đông Nam Á đã chuyển sự chú ý của mình sang nền kinh tế lớn nhất thế giới ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Xuất khẩu của 5 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất tại ASEAN đã tăng mạnh trong quý I/2016 so với năm trước đó, theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc của 4 trong số các quốc gia trên giảm trong cùng giai đoạn.
Xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á sang Mỹ tăng trong quý I (cột màu đỏ)
Sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ xuất hiện trong bối cảnh các giao dịch thương mại dọc Đông Á, trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới, bị thu hẹp lại. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự trỗi dậy của mối liên kết kinh tế Mỹ - ASEAN, từng giữ vị trí số 1 cho tới năm 2007, và hiện tại đừng thứ ba sau Trung Quốc và Nhật Bản.
“Mỹ là một trong số ít những thị trường mà nhu cầu vẫn đang tăng trưởng. Trước đây, Mỹ từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu Á, sau đó phải lùi bước trước Trung Quốc và giờ đang trở lại”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis SA Hong Kong cho biết.
Hiện tại, việc đồng USD mạnh hơn giúp hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ châu Á trở nên rẻ hơn, trong khi thị trường tiêu dùng nội địa có những tín hiệu cải thiện tích cực, tạo động lực cho hàng hóa xuất khẩu từ Đông Nam Á.
Xuất khẩu của Singapore sang Mỹ tăng 10% trong quý I năm nay so với năm trước đó, phản ánh nhu cầu gia tăng đối với thuốc men và các loại dược phẩm khác do đảo quốc này sản xuất, Song Seng Wun, nhà kinh tế học tại CIMB Private Banking cho biết. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng 21% trong cùng thời kỳ.
Xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á sang Trung Quốc giảm trong quý I/2016 (cột màu đỏ) so với quý I/2015 (cột màu xanh)