Theo Reuters, quan chức từ 11 nước thành viên TPP 11 bắt đầu cuộc họp tại Tokyo hôm nay (22/1) nhằm xóa bỏ những khác biệt cuối cùng về luật lao động và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Canada đã cho thấy ý định không vội vàng ký kết thỏa thuận TPP nếu không đạt được nhượng bộ về bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
"Chúng tôi tha thiết mong muốn cả 11 quốc gia sẽ ký kết TPP cùng lúc, nhưng ưu tiên hiện giờ là đạt được hiệp định TPP có hiệu lực càng sớm càng tốt với những nước đã sẵn sàng ký kết", Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói.
Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, Nhật Bản, Australia và Mexico đã cùng thúc đẩy mạnh mẽ việc tái đàm phán và ký kết hiệp định TPP 11. Nếu được ký kết và thông qua, TPP 11 sẽ xóa bỏ rào cản thương mại và thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của khối 11 quốc gia thành viên, với tổng kim ngạch thương mại đạt 356 tỷ USD năm 2016.
Mặc dù vậy, các chuyên gia bắt đầu đặt ra dấu hỏi về lợi ích kinh tế mà hiệp định TPP 11 mang lại nếu như Canada, nền kinh tế lớn thứ 2 của khối chỉ sau Nhật Bản, từ chối ký kết hiệp định.
"Tác động kinh tế của TPP 11 thậm chí còn bị xói mòn nghiêm trọng hơn nữa nếu Canada, một thành viên của nhóm các nước công nghiệp phát triển, hoãn tham gia", Rajiv Biswas, chuyên gia cấp cao từ Viện Tư vấn chính sách IHS Markit, nhận định.
TPP 11 bao gồm 11 quốc gia thành viên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồ họa: Canada West Foundation.
Ngoài Canada, một số quốc gia khác cũng đang lung lay bởi các quy định về lao động. Tuy nhiên, chưa có thành viên nào chính thức đưa ra phản đối hay trì hoãn việc đàm phán và ký kết.
"Đây rõ ràng là một bước lùi khi Canada cho biết sẽ không ký kết TPP 11 ngay lập tức, nhưng người ta kỳ vọng khi 10 nước đã gia nhập hiệp định, Canada cuối cùng cũng theo chân họ", Junichi Sugawara, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu kinh tế Mizuho, nhận định.