Viện nghiên cứu Legatum Institute (Anh) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2020 về Chỉ số Thịnh vượng toàn cầu (Prosperity Index) nhằm đo lường sự thịnh vượng của các quốc gia trên hành tinh này.
Báo cáo về “Chỉ số thịnh vượng của Viện Legatum” lần thứ 14 vừa công bố bao gồm một bảng xếp hạng dựa trên các chỉ số về sự thịnh vượng ở một số quốc gia trên thế giới, dựa trên các tiêu chí đa chiều: thể chế, kinh tế, xã hội...
Các nhà phân tích từ Viện Legatum đã sàng lọc 167 quốc gia, chiếm 99,4% dân số thế giới, trong đó bao gồm 53 quốc gia châu Phi.
Đối với tất cả các quốc gia này, các nhà phân tích đã thiết lập một bảng xếp hạng về sự thịnh vượng của các quốc gia dựa trên 12 tiêu chí gồm: an ninh và an toàn, tự do cá nhân, quản trị, nguồn vốn xã hội, môi trường đầu tư, điều kiện khởi nghiệp, tiếp cận thị trường, cơ sở hạ tầng-chất lượng kinh tế, điều kiện sống, y tế, giáo dục và môi trường tự nhiên.
Các quốc gia Bắc Âu một lần nữa đã thống trị bảng xếp hạng các quốc gia thịnh vượng nhất năm 2020 với Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Phần Lan nắm giữ 5 vị trí đầu tiên.
Trong khi đó, quốc gia đứng đầu châu Phi nhưng chỉ xếp thứ 44 trong bảng xếp hạng và chỉ 9 quốc gia châu Phi xuất hiện trong danh sách 100 quốc gia thịnh vượng nhất.
Giống như năm ngoái, danh sách các quốc gia châu Phi thịnh vượng nhất vẫn giữ nguyên, nhưng thứ tự đã thay đổi. Mauritius vẫn đứng đầu trong số các quốc gia châu Phi thịnh vượng nhất và tiếp tục duy trì vị trí thứ 44 trên toàn thế giới.
Quốc đảo Mauritius sở hữu được thứ hạng "đáng mơ ước" nhờ thành tích tốt trên một số tiêu chí: môi trường đầu tư (thứ 33 trên thế giới), nền quản trị (thứ 37), quyền tự do cá nhân (thứ 37), nguồn vốn xã hội (thứ 38), an ninh và an toàn (thứ 41) và môi trường kinh doanh (thứ 43).
Tuy nhiên, quốc gia này đang bị tụt hậu về một số tiêu chí khác, bao gồm giáo dục (thứ 67) và môi trường tự nhiên (thứ 113).
Seychelles, giữ vị trí thứ hai ở châu Phi, đã tuột mất 3 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu, chỉ đứng ở vị trí thứ 51.
Seychelles đã được xếp hạng tốt về các lĩnh vực: sức khỏe (thứ 38), nguồn vốn xã hội (thứ 46), quản trị (thứ 52) và môi trường kinh doanh (thứ 52).
Ngược lại, quốc gia này được kêu gọi phải nỗ lực thêm trên các tiêu chí như điều kiện sống (thứ 70), môi trường tự nhiên (thứ 70) và giáo dục (thứ 71).