Vai trò này có thể hiểu là đương nhiên bởi NHNN là một trong những chủ thể của hệ thống tài chính, vấn đề mà các chuyên gia quan tâm đó là NHNN cần làm gì để ổn định hệ thống tài chính trong một vị thế như thế nào?
NHNN: Các nhiệm vụ cạnh tranh lẫn nhau?
Phát biểu tại Hội thảo, ông Sanjay Kalra, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam chia sẻ, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 156/NĐ-CP ngày 11/11/2013, trong đó khẳng định vai trò đầu mối của NHNN trong nhiệm vụ ổn định tài chính thông qua việc thành lập Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, trực thuộc NHNN, câu hỏi đặt ra là nhiệm vụ mới của NHNN vừa được giao là một nhiệm vụ bổ trợ hay nhiệm vụ này có mâu thuẫn với các nhiệm vụ trước đây mà NHNN đã có?
Bên cạnh đó, Luật NHNN Việt Nam quy định, NHNN có nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định giá trị của đồng tiền, giữ cho lạm phát thấp, phát triển khu vực ngân hàng về quy mô và chất lượng cũng như các mục tiêu khác về mặt xã hội…
"NHNN sẽ làm thế nào để cân bằng giữa các mục tiêu đó, khi các mục tiêu cần phải đạt được cùng một lúc và có thể cạnh tranh lẫn nhau?", ông Sanjay Kalra nói.
Chia sẻ với ĐTCK, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, pháp luật và các thoả thuận hiện tại ở Việt Nam không đảm bảo được hoạt động độc lập cho NHNN, những thông lệ quản trị cũng như nguồn lực thích hợp để thực hiện các chính sách có hiệu quả. Không có cơ chế để đảm bảo trách nhiệm NHNN trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình so với mục tiêu của mình. Nguồn lực hạn chế, không được cung cấp thỏa đáng về thu nhập cũng như các thiết bị hoặc đào tạo.
Làm thế nào để cân bằng?
Ông Nguyễn Danh Lương, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, thời gian tới, NHNN cần tập trung thêm một số vấn đề sau: Thứ nhất, tăng cường năng lực thể chế và mức độ độc lập nhất định với Chính phủ. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, chính sách tiền tệ chưa thực sự được coi trọng ở Việt Nam, thể hiện ở chỗ, vị thế hoạt động của NHNN bị lệ thuộc quá lớn vào các quan hệ hành chính nhà nước, chức năng NHNN thiên về thể chế quản lý nhà nước cấp bộ mà chưa chú ý đầy đủ chức năng điều hành chính sách tiền tệ của một NHTW.
"Đã đến thời điểm cần phải xác định một mức độ độc lập nhất định trong mối quan hệ với Chính phủ để NHNN có vị thế nhất định trong việc xây dựng và vận hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả cũng như đảm bảo không thực hiện nhiệm vụ xóa nợ hay cho vay theo chính sách đối với các ngân hàng thương mại (NHTM)", ông Nguyễn Danh Lương cho biết.
Thứ hai, tăng cường sự tự chủ về tài chính của NHNN. Một ngân hàng trung ương (NHTW) thực sự sẽ phải hoạt động trên 3 trụ cột căn bản: tự chủ tài chính, minh bạch, công khai và 3 trụ cột này thể hiện vị thế tài chính của một NHTW. Dù là cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng NHNN phải thể hiện được tiềm lực tài chính mạnh mới có thể đảm đương được sứ mệnh là ngân hàng của Chính phủ và là ngân hàng của các ngân hàng.
Thứ ba, NHNN cần tích cực và chủ động giám sát hệ thống tài chính theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo an toàn hiệu quả. Trước mắt, NHNN cần hoàn thiện các văn bản pháp luật và các chính sách sao cho vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam vừa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
"Cuối cùng, NHNN cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành khác", ông Nguyễn Danh Lương chia sẻ.
Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, việc đòi hỏi quyền tự quyết và độc lập một cách tuyệt đối, cho dù là về mặt hoạt động hay về mặt pháp lý, không nhất thiết khiến cho NHNN trở thành một NHTW tốt. Điều quan trọng là có được sự độc lập vừa đủ để đảm bảo NHNN hoạt động một cách chuyên nghiệp và hiệu quả và phải có trách nhiệm giải trình thông qua cơ cấu quản trị phù hợp, rõ ràng và minh bạch. Bên cạnh đó, dù một số yếu tố chính của khuôn khổ pháp lý có thể được coi là đầy đủ cho giai đoạn phát triển của Việt Nam, nhưng vẫn cần nâng cấp đáng kể để đến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế đã chỉ rõ, một yếu tố cần thiết của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng là người thanh tra, giám sát các tập đoàn ngân hàng được thực hiện cả ở cấp độ khu vực và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý trong vấn đề này. Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào các hệ thống tài chính toàn cầu, khuôn khổ pháp lý liên quan được nâng cấp một cách thích hợp để đảm bảo khả năng kiểm tra và giám sát các vấn đề xuyên biên giới sẽ là điều quan trọng.
Bà Victoria Kwakwa chia sẻ thêm, trong khi NHNN có trách nhiệm giám sát rủi ro hệ thống thì NHNN lại thiếu một cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ và khả năng phân tích rủi ro của hệ thống mới nổi. NHNN đang trong quá trình tăng cường năng lực dữ liệu của mình với sự hỗ trợ của dự án Hệ thống quản lý thông tin và hiện đại hóa ngành tài chính do WB tài trợ. Tuy nhiên, sẽ là quan trọng không kém đối với NHNN trong việc tiếp tục tăng cường năng lực phân tích của mình (bao gồm cả giám sát tái trang bị cho cán bộ giám sát/ nghiên cứu thông qua các khóa đào tạo).
Một câu chuyện khác cũng được các chuyên gia đề cập đó là phải tăng cường hơn nữa tính minh bạch và công bố thông tin thống kê kinh tế và tài chính kịp thời. Đây là một đặc điểm điển hình của hệ thống giám sát và NHTW hiện đại, để đơn giản hóa giao tiếp với công chúng và có thể hỗ trợ cho các quyết định về chính sách của NHTW.
“Do đó, những thông tin rõ ràng, nhất quán và xác thực luôn là nhu cầu đối với không chỉ dư luận, nhà đầu tư, mà còn đối với các khách hàng, đối tác, tổ chức quốc tế. Việc minh bạch thông tin bao gồm thông tin trong điều hành, hoạch định chính sách tiền tệ của NHNN, các thông tin về hệ thống NHTM...”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ.
Ông Sanjay Kalra nói: "Chúng ta thấy NHNN là đầu mối dẫn dắt trong việc giám sát khu vực tài chính nhưng các bộ ngành khác cũng có vai trò nhất định… Do vậy, cần giảm thiểu sự chồng chéo về trách nhiệm giữa các đơn vị, tạo nên cơ chế phối hợp, cũng như khắc phục những lỗ hổng về mặt chức năng giữa các bộ ngành".