Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cố gắng thích nghi với việc đồng NDT tăng giá

Nhìn vào số thặng dư thương mại mà Trung Quốc đạt được kể từ tháng 7/05, khi nước này điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái, người ta có thể cho rằng việc đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến các nhà xuất khẩu nước này. Tuy nhiên, trên thực tế sức ép và tác động của việc đồng NDT tăng giá là rõ ràng và khá tốn kém.

Yin Mingshan, chủ tịch Chongqing Lifan Group -công ty tư nhân lớn nhất về sản xuất xe máy ở Trung Quốc- cho biết sức ép của việc đồng NDT tăng giá chưa bao giờ ngừng suy giảm. Việc đồng NDT tăng giá 4% so với đồng USD vào cuối năm ngoái đã khiến cho doanh nhân vốn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cách đây 15 năm này kiếm được ít hơn 78 triệu NDT từ xuất khẩu các sản phẩm (trị giá 318 triệu USD).

 

Tính đến tháng 8 năm nay khi đồng NDT tăng tổng cộng hơn 9% lên 7,57 NDT/USD, năm trong số các đối thủ Trung Quốc nhỏ hơn của công ty đã buộc phải bỏ cuộc. Xuất khẩu xe máy của Lifan đã giảm từ mức tăng 30% trong năm ngoái xuống ước còn 25,5% năm nay.

 

Thay vì phàn nàn về đồng NDT tăng giá, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Lifan, đã hướng tới các biện pháp khả dĩ khác như đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả chi phí. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 546,7 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại của nước này tăng 83% lên 112,5 tỷ USD.

 

Kể từ tháng 7/05, Trung Quốc đã từ ngừng gắn kết đồng nội tệ với đồng USD và thay bằng việc gắn kết nó với một giỏ tiền tệ để cho đồng NDT được biến động phù hợp với những thay đổi trên thị trường. Song một biên độ thả nổi hằng ngày được áp dụng để đảm bảo cho đồng NDT tăng giá dần dần.

 

Điều này khuyến khích các nhà xuất khẩu tăng cường tính cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu và đổi mới công nghệ. Nhà nghiên cứu Tan Yaling thuộc Ngân hàng Trung Quốc cho biết: "Nếu đồng NDT tăng giá tức thì 20%, thì một loạt các công ty Trung Quốc sẽ phá sản. Hiện giới doanh nghiệp còn thời gian để thích nghi, nâng cấp hoạt động sản xuất và trở nên vững mạnh hơn".

 

Sự cần thiết phải đổi mới luôn bao trùm tâm tưởng các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực truyền thống như dệt may. Yu Yimin, tổng giám đốc tập đoàn Soho International, cho biết tập đoàn đã khuyến khích phát triển sáng tạo và coi đó là con đường duy nhất để tồn tại. Ông Yu nói: "Các nhà nhập khẩu sẽ nói không và bỏ đi nếu chúng tôi ngụ ý tăng giá khi sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Trung Quốca. Nhưng nếu chúng ta có thứ gì đó độc đáo, khi đó thế mạnh ở trong tay mình".

 

Là cường quốc thương mại lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Đức, Trung Quốc hy vọng sẽ đánh bóng danh tiếng "Made in China " (Sản xuất tại Trung Quốc) bằng dấu ấn chất lượng chứ không phải là giá rẻ.

 

Zhao Yumin, nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng chỉ có các công ty hoạt động hiệu quả, liên tục cải thiện năng suất lao động mới có cơ hội tồn tại trong một thế giới cạnh tranh gay gắt với chủ nghĩa bảo hộ cũng gia tăng.

 

Con số chính xác về số các nhà xuất khẩu hiện ở Trung Quốc hiện chưa rõ là bao nhiêu, nhưng theo ông Zhao, còn nhiều nhà xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào lợi thế chi phí lao động thấp và vật liệu thô giá rẻ do họ thiếu khả năng đổi mới công nghệ và tài chính.

 

Trong khi các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ chơi, đồ nội thất và xăm lốp xe do Trung Quốc sản xuất tràn ngập các thị trường nước ngoài, một số người nước ngoài thích dùng hàng hóa giá rẻ, nhưng số khác lại than phiền về tình trạng mất việc làm. Các chính phủ nước ngoài đôi khi đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ hơn, gây khó dễ cho các nhà xuất khẩu và làm phức tạp hơn những vấn đề vốn do đồng NDT tăng giá gây ra. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu đặt cọc hải quan khoảng 200-300 USD đối với mỗi chiếc xe đạp điện hoặc xe máy nhập khẩu kể từ tháng 8/06, trong khi xe máy Trung Quốc chỉ có mức giá trung bình 400 USD/chiếc. Việc này tác động đến xuất khẩu xe của Lifan và Lifan đã chọn giải pháp là thành lập các nhà máy sản xuất xe ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo mối đe dọa lớn nhất trong tương lai đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc là việc đồng NDT tiếp tục tăng giá có thể kích thích các quỹ đầu cơ nhảy vào thị trường, động thái ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của đất nước và làm sụt giảm lợi nhuận của các nhà chế tạo phục vụ xuất khẩu.

 

Theo bà Tan Yaling, thật là thiếu thực tế khi để các nhà xuất khẩu phải tự xoay sở và vật lộn với việc đồng NDT tăng giá, khi hệ thống tài chính của đất nước vẫn trong thời kỳ sơ khai và dễ bị tổn thương. Bà cho rằng chính phủ cần phải mở rộng khả năng đàn hồi của đồng nội tệ và đưa ra cơ chế tỷ giá hối đoái theo hướng thị trường hơn nữa, và nhấn mạnh "điều quan trọng nhất là tất cả các đối tác tham gia vào thị trường ngoại hối liên ngân hàng phải học cách thức làm việc chuyên nghiệp, trong khi chính phủ phải tiến hành nghiên cứu nhiều hơn nữa để xác định giá trị thực và giá tương ứng của đồng NDT".

 

Ha Jiming, nhà kinh tế chủ chốt thuộc công ty China International Capital Corp dự đoán, tỷ giá đồng NDT sẽ tăng lên 7,3 NDT/USD vào cuối năm nay nếu đồng USD vẫn tiếp tục duy trì xu hướng hiện nay. Ông cho rằng sẽ phải mất từ 3 đến 5 năm để giảm bớt sức ép đối với việc đồng NDT tăng giá hơn nữa.


THX

Tin cùng chuyên mục