Các nhà tuyển dụng châu Âu tranh giành nhân tài ngành AI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Làn sóng khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tràn đến châu Âu đang buộc các công ty phải chọn giữa việc chi mức lương khổng lồ hoặc bị chảy máu chất xám.
Các nhà tuyển dụng châu Âu tranh giành nhân tài ngành AI

Thành công vang dội của ChatGPT thuộc OpenAI đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào các startup AI triển vọng với mong muốn kiếm lời “chỉ sau một đêm”.

Để đón đầu xu hướng mới, nhiều công ty AI quốc tế, như Cohere của Canada hay Anthropic và OpenAI từ Hoa Kỳ, đã mở văn phòng châu Âu vào năm ngoái, tạo áp lực lên các công ty công nghệ địa phương vốn chật vật trong việc thu hút và giữ chân nhân viên.

Thành lập vào năm 2010 và được Google mua lại vào năm 2014, DeepMind có trụ sở tại London (Anh) đã tạo nên tên tuổi khi áp dụng AI vào mọi thứ, từ trò chơi cờ bàn đến sinh học cấu trúc.

Tuy nhiên giờ đây, Công ty phải đối mặt với nhiều thách thức, từ cả các đối thủ mới có nguồn lực tài chính dồi dào, cho đến việc ngày càng nhiều nhân viên tách ra để lập dự án riêng.

Vài trường hợp chia tay nổi bật có thể kể đến sự ra đi của người đồng sáng lập Mustafa Suleyman để thành lập Inflection AI tại California (Mỹ) cùng tỷ phú LinkedIn Reid Hoffman; hay nhà khoa học Arthur Mensch hiện là Giám đốc điều hành của Mistral AI. Cả hai công ty đã được định giá hàng tỷ USD sau thời gian ngắn hoạt động.

Theo một nguồn tin của Reuters, trong nỗ lực giữ chân nhân tài, đầu năm nay, DeepMind đã cấp cho một số lãnh đạo cấp cao số lượng cổ phiếu hạn chế trị giá hàng triệu USD (cổ phiếu hạn chế là loại cổ phiếu được nắm giữ bởi các cổ đông trong nội bộ công ty (như giám đốc) nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu và người nắm giữ sẽ số cổ phiếu này nếu rời công ty trước thời hạn quy định…).

Thu nhập tốt hơn

Theo công ty tìm kiếm nhân lực cao cấp Avery Fairbank, lương cho các lãnh đạo cấp cao trong công ty AI tại Anh đã “tăng theo cấp số nhân” trong năm qua.

Charlie Fairbank, Giám đốc điều hành Avery Fairbank cho biết, sự gia nhập của những gã khổng lồ AI nước ngoài như Anthropic và Cohere vào thị trường London sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài năng AI.

Ông cho biết, các vị trí điều hành có mức lương cơ bản hiện khoảng 350.000 bảng Anh so với mức 50.000 - 100.000 bảng Anh trước đây.

Theo Ekaterina Almasque, thành viên hợp danh tại công ty đầu tư mạo hiểm OpenOcean, DeepMind không còn là “kẻ dẫn đầu ngoài tầm với trong ngành”.

Cohere, công ty chuyên thiết kế công cụ nội bộ cho khách hàng, đã thuê Phil Blunsom, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại DeepMind, làm Giám đốc khoa học của Công ty từ 2022. Nhà khoa học máy tính Sebastian Ruder cũng chuyển sang Cohere từ DeepMind hồi tháng 1/2023. Ruder từ chối tiết lộ mức lương mới.

Ảnh hưởng lớn hơn

“Cuộc chiến nhân tài” đặt người lao động vào vị thế thuận lợi để yêu cầu quyền lợi nhiều hơn từ các nhà tuyển dụng.

Công ty âm thanh AI ElevenLabs đang cung cấp các lựa chọn cổ phiếu cho nhân viên mới, mức lương hậu hĩnh và làm việc hoàn toàn từ xa, dù hầu hết các vị trí đều yêu cầu nhân viên sống tại châu Âu.

Thomas Clozel, một nhà đầu tư ban đầu vào công ty khởi nghiệp Bioptimus, cho biết, các startup đang chiêu mộ nhân tài từ các gã khổng lồ công nghệ như Google bằng cách hứa hẹn họ nhiều ảnh hưởng hơn tới định hướng doanh nghiệp.

“Google là người đi đầu trong lĩnh vực của mình và đã đào tạo ra những tài năng xuất sắc nhất. Tuy nhiên, tại một công ty khởi nghiệp nhỏ hơn, bạn có cơ hội đặc biệt để vừa tiếp tục cống hiến cho đam mê, vừa góp phần vào sự thành công của công ty”, ông nói.

Nhật Linh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục