Các nhà lãnh đạo G20 kêu gọi tăng nguồn tài chính khí hậu lên hàng nghìn tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà lãnh đạo G20 hôm 19/11 đã tập trung thảo luận về phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, trong nỗ lực tăng khả năng đạt được thỏa thuận thành công để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ở Rio de Janeiro, Brazil vào ngày 18/11/2024. Ảnh: AFP Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ở Rio de Janeiro, Brazil vào ngày 18/11/2024. Ảnh: AFP

Một ngày trước đó, Azerbaijan, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29, đã "đề nghị khẩn thiết" các nước G20 phát tín hiệu tích cực về sự cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu và đề ra các nhiệm vụ rõ ràng để cứu vãn các cuộc đàm phán đã bị đình trệ ở thủ đô Baku, Azerbaijan, theo Reuters.

Trong lúc thế giới đang chứng kiến năm ấm nhất trong lịch sử, các nhà lãnh đạo đang tìm cách củng cố các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào tháng 1/2025 sau chiến thắng vang dội ở cuộc bầu cử năm 2024. Ông Trump được cho là đang chuẩn bị rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đảo ngược chính sách của Mỹ về tình trạng nóng lên toàn cầu, theo Reuters.

Trong một "tuyên bố chung" được ban hành vào cuối ngày 18/11, các nhà lãnh đạo G20 đã kêu gọi "tăng nhanh chóng và đáng kể nguồn tài chính khí hậu từ hàng tỷ lên hàng nghìn tỷ từ mọi nguồn" để chi trả cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí rằng các nhà đàm phán COP29 cần đạt được thỏa thuận "mục tiêu tài chính mới" về số tiền mà các quốc gia giàu có phải cung cấp cho các quốc gia đang phát triển nghèo hơn trong lĩnh vực tài chính khí hậu.

Mặc dù tuyên bố của G20 có đề cập rằng các quốc gia cần giải quyết vấn đề trên, nhưng họ không chỉ ra giải pháp là gì tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 dự kiến kết thúc vào ngày 22/11.

Còn các nhà kinh tế cho rằng mục tiêu tài chính khí hậu mới cần đạt ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Các nước phát triển, bao gồm cả ở châu Âu, cho rằng cơ sở tài chính khí hậu cần được mở rộng và bao gồm cả các nước đang phát triển giàu có hơn như Trung Quốc và các nước Trung Đông giàu có hơn để thống nhất một mục tiêu đầy tham vọng.

Các quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như Brazil, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20, đã phản đối việc mở rộng phạm vi đóng góp ra ngoài các nước phát triển, vốn được cho là "thủ phạm chính" gây ra biến đổi khí hậu.

Trước đó, Reuters dẫn lời các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán của G20 cho biết đã có một văn bản được đưa ra, trong đó đề xuất rằng các nước đang phát triển có thể đóng góp trên cơ sở tự nguyện, nhưng đề xuất này sau đó đã không được đưa vào thỏa thuận cuối cùng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 thường niên tại Rio de Janeiro vào ngày 18/11, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết tác động của biến đổi khí hậu đã rõ ràng trên toàn cầu và cần được giải quyết khẩn cấp.

Các quốc gia G20 được coi là rất quan trọng trong việc định hình phản ứng đối với tình trạng nóng lên toàn cầu, vì họ kiểm soát 85% nền kinh tế thế giới và cũng chịu trách nhiệm cho hơn 3/4 lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu.

G20 cũng cam kết nhất trí về một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024, với các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ được tiếp tục vào tuần tới nhằm chấm dứt hơn 2 năm đàm phán để đi đến một thỏa thuận.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục