Vào ngày 13 tháng 2 năm 1633, nhà triết học, toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei đã phải đến Rome để đối mặt với tòa án dị giáo, vì bị buộc tội ủng hộ học thuyết Copernicus khi cho rằng "Trái đất quay xung quanh Mặt Trời". Tòa án đã kết luận rằng thuyết nhật tâm là “ngu xuẩn và ngớ ngẩn" trong triết học, và về mặt hình thức là dị giáo vì nó mâu thuẫn rõ ràng ở nhiều nơi với ý nghĩa của Kinh thánh.
Hơn 300 năm sau, Giáo hoàng La Mã đã công nhận rằng Galileo Galilei đã đúng. Nhà thờ cũng đã giải oan cho ông.
Từ đó cho đến nay, chúng ta đã quen thuộc với quy luật Trái đất không ngừng chuyển động và quay xung quanh mặt trời một cách đều đặn trong suốt 365 ngày, 5 giờ, 59 phút và 16 giây. Tất yếu, Trái đất cũng tự quay quanh trục của nó trong khoảng 24 tiếng (chính xác là 23 giờ, 56 phút và 4 giây). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà thiên văn học, tốc độ quay của Trái đất là một đại lượng có thể thay đổi, mặc dù sự thay đổi này rất nhỏ, nhưng nó vẫn xảy ra.
Một dẫn chứng điển hình được các nhà thiên văn học sử dụng đó là vào khoảng thời gian hơn 1 tỷ năm trước đây, khi mà khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng còn ở gần nhau hơn bây giờ, tốc độ quay của Trái đất đã đạt vận tốc lớn nhất khiến cho một ngày chỉ có 19 giờ thay vì 24 giờ như hiện tại.
Bởi vì vị trí các hành tinh trong hệ mặt trời có sự chuyển dịch, do đó ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của chúng. Ngày nay, cơ bản Trái đất mất khoảng gần 24 giờ để thực hiện hết một vòng quay.
Đồng hồ nguyên tử được dùng để đo tốc độ quay của Trái đất. |
Vấn đề ở chỗ, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự một xu hướng bất thường. Đó là Trái đất đang bắt đầu tăng tốc, với dấu hiệu nhận ra rõ rệt nhất vào năm 2020 có tổng cộng 28 ngày ngắn nhất tính từ năm 1960 - mốc thời gian đồng hồ nguyên tử (thiết bị để đo vận tốc của Trái đất có độ chính xác cao) bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Theo dữ liệu được đo đạc vào ngày 29/6/2022, Trái đất đã hoàn thành một vòng quay trong thời gian ít hơn 1,59 mili giây (msec) so với vòng quay 24 giờ tiêu chuẩn của nó. Nói cách khác, Trái đất đã quay nhanh hơn 1,59 mili giây và đây là tốc độ kỷ lục mới nhất được ghi nhận. Trước đó vào ngày 19/7/2020, kỷ lục được thiết lập ở 1,47 mili giây.
Nguyên nhân của sự việc hiện vẫn là một bí ẩn, chưa có lời giải chính xác đối với các nhà khoa học.
Trong đó, nhà khoa học Leonid Zotov đem đến một lý giải có liên quan đến "dao động Chandler" - một thuật ngữ dùng để miêu tả sự chuyển dịch và không đều của các lục địa trên Trái đất.
Giới khoa học đang lo lắng, sự thay đổi về tốc độ quay của Trái đất có thể sẽ khiến đồng hồ nguyên tử được sử dụng trong vệ tinh GPS bị sai lệch.