Trong quá trình thực hiện các thông lệ quốc tế tốt, cũng như nguyên tắc Basel trong lĩnh vực ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần hiểu rõ các quy tắc Basel để áp dụng vào thực tế hoạt động tại thị trường nội địa.
Quan điểm và các nguyên tắc cơ bản của Basel
Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision - BCBS) được thành lập vào năm 1974 bởi một nhóm các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel (Thụy Sỹ) nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80. Hiện nay, các thành viên của Ủy ban gồm đại diện ngân hàng trung ương hay cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của các quốc gia và vùng lãnh thổ: Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hong Kong SAR, Ấn độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Saudi Arabia, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ.
Quan điểm của Uỷ Ban Basel là sự yếu kém trong hệ thống ngân hàng của một quốc gia, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, có thể đe doạ đến sự ổn định về tài chính trong cả nội bộ quốc gia đó và trên trường quốc tế. Nhu cầu cần nâng cao sức mạnh của hệ thống tài chính nhất thiết phải được nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới nói chung và Uỷ ban Basel về giám sát nghiệp vụ ngân hàng nói riêng đặc biệt quan tâm.
Năm 1997, Ủy ban Basel đã ban hành 25 nguyên tắc cốt lõi đối với giám sát ngân hàng hiệu quả. Trên thực tế, đây là những chuẩn mực tối thiểu đối với việc quản lý và giám sát an toàn các ngân hàng và hệ thống ngân hàng. Năm 2012, số lượng các Nguyên tắc cốt lõi đã tăng từ 25 nguyên tắc lên thành 29 nguyên tắc sau khi Nhóm rà soát về các Nguyên tắc cốt lõi được Ủy ban Basel giao trách nhiệm rà soát và cập nhật các nguyên tắc cốt lõi. Tổng cộng có 39 tiêu chí đánh giá mới, bao gồm 34 tiêu chí đánh giá trọng yếu mới và 5 tiêu chí đánh giá bổ trợ mới. Ngoài ra, 34 tiêu chí đánh giá bổ trợ đã được nâng cấp lên thành tiêu chí trọng yếu và trở thành những yêu cầu cơ bản tối thiểu cho tất cả các quốc gia.
Các nguyên tắc cốt lõi được sắp xếp thành 2 nhóm chính nhằm làm nổi bật sự khác biệt giữa những gì mà các cơ quan giám sát làm và những gì họ kỳ vọng các ngân hàng sẽ làm.
Điều kiện tiền đề cho thanh tra, giám sát ngân hàng hiệu quả
Theo Ủy ban Basel, một hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng hiệu quả cần phải có khả năng xây dựng, thực hiện, theo dõi, giám sát và đưa ra các biện pháp xử lý trong trường hợp có các điều kiện quan ngại ảnh hưởng tới tính hiệu quả của việc quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng tới sự an toàn của hệ thống.
Ủy ban Basel đã đưa ra 6 điều kiện tiền đề cho việc giám sát ngân hàng hiệu quả. Cụ thể, thứ nhất, các chính sách kinh tế vĩ mô (chủ yếu là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ) bền vững và lành mạnh. Thứ hai, thiếp lập một khuôn khổ rõ ràng cho giám sát an toàn vĩ mô và xây dựng các chính sách ổn định tài chính.
Thứ ba, một hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng phát triển tốt, bao gồm: hệ thống luật kinh doanh đồng bộ và nhất quán; một bộ máy tư pháp độc lập và hiệu quả; các nguyên tắc kế toán toàn diện, hiệu quả và được chấp nhận trên phạm vi quốc tế; một hệ thống kiểm toán độc lập đảm bảo trung thực khách quan; một lực lượng chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm; các hệ thống thanh toán hiệu quả và an toàn; các trung tâm tín dụng hiệu quả....
Thứ tư, một khuôn khổ rõ ràng về quản lý khủng hoảng, phục hồi và xử lý đổ vỡ. Thứ năm, một mức độ bảo vệ hệ thống phù hợp, đặc biệt là mức độ bảo vệ hệ thống khi xảy ra đổ vỡ của hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Và thứ sáu, kỷ luật thị trường hiệu quả, trong đó xây dựng một thị trường minh bạch, không bị bóp méo bởi chính phủ nhằm đạt được những mục tiêu chính sách công.
Việc đánh giá tuân thủ các nguyên tắc được Ủy ban Basel quy định ở 4 cấp độ: Tuân thủ, Tuân thủ phần lớn, Phần lớn không tuân thủ và không tuân thủ.
Theo đó, một quốc gia được đánh giá là tuân thủ với một nguyên tắc khi tất cả các tiêu chí trọng yếu áp dụng cho quốc gia đó được đáp ứng, thỏa mãn và không có yếu kém nào đáng kể.
Với đánh giá tuân thủ phần lớn, quốc gia đó chỉ tồn tại những thiếu sót, yếu kém nhỏ và không tạo ra bất kỳ một quan ngại nào về khả năng của cơ quan quản lý. Đồng thời, Ủy ban nhận thấy được ý đồ rõ ràng của cơ quan quản lý là tuân thủ đầy đủ nguyên tắc đó trong một khoảng thời gian đã xác định.
Một quốc gia sẽ được đánh giá là phần lớn không tuân thủ với một nguyên tắc khi có những yếu kém nghiêm trọng hoặc những yếu kém đã đạt đến mức độ đủ để gây ra những hoài nghi về khả năng của cơ quan quản lý trong việc đáp ứng tuân thủ.
Nếu bị đánh giá ở mức độ không tuân thủ, đồng nghĩa với việc quốc gia đó không có sự triển khai áp dụng nguyên tắc đó, hay một vài tiêu chí trọng yếu không được tuân thủ hoặc giám sát rất kém hiệu quả.
Thực tiễn áp dụng 29 nguyên tắc cơ bản của Basel tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhận thức rõ được tầm quan trọng của các nguyên tắc của Ủy ban Basel trong việc nâng cao hiệu quả của hệ thống thanh tra, giám sát và đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng, cũng như đáp ứng các yêu cầu của thông lệ và chuẩn mực quốc tế, từ năm 2006, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định kỳ thực hiện đánh giá giá tình hình tuân thủ đối với các nguyên tắc của Basel, kết quả đánh giá đã có những cải thiện lần sau so với lần trước. Đồng thời, NHNN đang từng bước xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện để khuyến khích việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn mới tiến bộ.
Nhìn chung, các nguyên tắc của Ủy ban Basel là cơ sở cần thiết cho việc thiết lập một hệ thống giám sát có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần xem xét tới các đặc điểm của từng quốc gia, khu vực trong quá trình áp dụng các nguyên tắc đó. Các tiêu chuẩn này là điều kiện cần nhưng không có nghĩa là đã đầy đủ cho mọi trường hợp. Bất kỳ một hệ thống thanh tra, giám sát nào cũng cần xem xét đến đặc điểm, tính chất và loại rủi ro có thể xuất hiện tại thị trường tài chính trong nước và những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện các nguyên tắc.
Do vậy mỗi quốc gia cần xem xét mức độ cần thiết phải bổ sung những yêu cầu khác ngoài các nguyên tắc của Ủy ban Basel để có thể giảm thiểu, kiểm soát rủi ro nội tại. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng luôn có những thay đổi theo sự biến động của các yếu tố vĩ mô. Vì vậy, chuyên gia thanh tra, giám sát cần luôn cập nhật, đánh giá lại các chính sách, phương thức giám sát của mình để có thể theo kịp với những xu hướng và thay đổi đang diễn ra.