Bài toán đặt ra từ công nghệ
Nếu ở thế kỷ XVIII, một chiếc máy tính xách tay giống như một phép màu, thì hiện tại, đây đã trở thành một vật dụng phổ biến, thậm chí xu hướng không coi máy tính xách tay là thiết bị cơ sở đã bắt đầu hình thành. Thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học, cùng sự đột phá của Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D đã và đang tạo nên những thay đổi nhanh chóng, có tác động đến các quốc gia trên mọi phương diện.
Theo đó, dù không nằm trong 9 khu vực/lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0, nhưng ngành ngân hàng với đặc điểm là một trong những ngành đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, chắc chắn cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cơn bão công nghệ này.
CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức ngân hàng giao tiếp với khách hàng và kênh phân phối sản phẩm dịch vụ. Quả thực, trong khoảng mười năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng như internet banking, mobile banking, tablet banking, mạng xã hội và giao dịch không giấy tờ phát triển mạnh.
Với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu sử dụng tiền mặt sẽ ngày càng bị thu hẹp do tính tiện lợi của các công cụ thanh toán điện tử mới, hiện đại, có chi phí thấp và tiết kiệm thời gian. Theo đó, hình thức tiền di động sẽ ngày càng được ưa chuộng vì khách hàng có thể thực hiện thanh toán mọi lúc, mọi nơi.
Phương thức này có nhiều ưu điểm vượt trội so với cơ chế chuyển tiền vật lý truyền thống ở sự an toàn và thời gian thực hiện giao dịch. Nhờ vậy, các tổ chức tín dụng sẽ ít bị phụ thuộc vào kênh phân phối vật lý (chi nhánh, phòng giao dịch…) và có xu hướng sử dụng các hình thức giao tiếp điện tử phi vật lý. Bên cạnh đó, hệ thống ATM cũng đang chịu ảnh hưởng khi ngân hàng đang thay thế ATM bằng các nền tảng tự phục vụ có nhiều tính năng hơn.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Đặc biệt, xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến, dẫn đến giảm dần vai trò của các chi nhánh ngân hàng. Với CMCN 4.0, chi nhánh ngân hàng không phải là kênh phân phối mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai.
Tôi cho rằng, việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới chi nhánh sẽ dần chấm dứt do chi phí hoạt động cao, thay vào đó, ngân hàng sẽ cạnh tranh qua công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phải thiết kế lại các chi nhánh của mình để tối đa hóa nhu cầu trải nghiệm của khách hàng và chủ yếu sẽ dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh của CMCN 4.0.
Nhưng với tần suất di chuyển ngày càng tăng lên, làm thế nào để tiếp cận được kho dữ liệu khổng lồ trong khi đang di chuyển? Khi di động trở thành một thuộc tính cơ bản của cuộc sống, việc dữ liệu di chuyển cùng với chúng ta là điều cần thiết.
Cloud: Xu hướng lưu trữ dữ liệu “xanh”
Hiện nay, việc lưu trữ dữ liệu được các tổ chức tín dụng thực hiện thông qua các data center (trung tâm dữ liệu) đặt tại những địa điểm xác định cụ thể và chi phí đầu tư cho hệ thống data center này là rất lớn. Trong khi đó, xu hướng lưu trữ dữ liệu trên Cloud đang ngày càng phổ biến ở các tổ chức tín dụng trên thế giới, bởi chi phí đầu tư thấp, ước tính bằng 10% so với cách thức lưu trữ thông qua data center hiện nay.
Đồng thời, khi công nghệ xử lý big data (dữ liệu lớn) trở thành yếu tố chiến lược cốt lõi của một ngân hàng trong quá trình ra quyết định về các rủi ro hay thu hút sự tham gia tương tác của khách hàng ở khắp mọi nơi thì rất nhiều mắt xích trong chuỗi giá trị sẽ được định hướng bởi dữ liệu hay các kết quả phân tích dữ liệu tức thời. Qua thời gian, điều này có nghĩa nguồn lực con người trong chuỗi giá trị đó sẽ được thay thế bởi cái được gọi là “các hoạt động thuật toán” - khả năng đưa ra quyết định và quy trình xử lý ảo.
Thay vì một nhân viên quản lý rủi ro thực hiện các quy trình thủ công để đánh giá khách hàng cá nhân trước khi cho vay, các quyết định này sẽ dần được thực hiện trên cơ sở phê duyệt hạn mức từ trước hoặc phê duyệt tức thì trong trường hợp cần phải đưa ra quyết định cho vay. Khi các ngân hàng mạnh tay thay thế các nguồn lực con người trong chuỗi giá trị của mình bằng các ma trận ra quyết định trên cơ sở dữ liệu các thuật toán thì tài sản trí tuệ của họ sẽ tập trung vào “bảng mã” hay dữ liệu trong hệ thống.
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp nhân viên và đối tác được làm việc trong một môi trường hiện đại và các tiện ích song hành với những dịch vụ luôn được cập nhật. Trong tương lai, điện toán đám mây giúp tổ chức tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế xanh là tất yếu.
Con đường phía trước
Mặc dù hiện nay chưa có báo cáo nào đánh giá, so sánh về mức độ an toàn và bảo mật giữa hai hình thức lưu trữ, nhưng việc lưu trữ thông qua Cloud đang được nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài áp dụng, và được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới, đặc biệt trong thời đại CMCN 4.0.
Nguyên nhân là lợi ích tiềm tàng của mô hình này đối với dịch vụ tài chính là điều các ngân hàng không thể bỏ qua. Lý do chủ yếu nhất của việc chuyển sang điện toán đám mây là sự hạn chế của các hệ thống hiện tại. Trên thực tế, số lượt khách hàng tiếp cận với ngân hàng qua các kênh kỹ thuật số hiện đã lên tới vài trăm nghìn lần mỗi năm, do vậy nhu cầu chuyển các hoạt động ngân hàng sang một nền tảng linh hoạt hơn là hết sức hợp lý.
Bên cạnh đó, điều cần quan tâm là những dịch vụ và mô hình khai thác doanh thu nào sẽ thúc đẩy công nghệ điện toán đám mây? Câu trả lời đối với các tổ chức kinh doanh là: Chuyển sang đám mây dữ liệu sẽ giúp giảm chi phí hạ tầng và chuyển nguồn vốn dành cho các nền tảng và ứng dụng công nghệ cao vào chi phí hoạt động, thay vì chi phí vốn như trước đây. Trong môi trường kinh tế hiện nay, điều này khá hứa hẹn.
Với thế giới mà khách hàng là trung tâm như ngày nay, một trong số những lợi ích hấp dẫn nhất của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng điện toán đám mây là khả năng triển khai mô hình “so sánh để đưa ra giải pháp hiệu quả nhất”. Nó khiến cho phương thức nâng cấp và lựa chọn các quy trình xử lý trở thành một động lực lớn cho các ngân hàng.
Vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá và xem xét cho phép các tổ chức tín dụng từng bước thay đổi hình thức lưu trữ từ “vật thể” sang “phi vật thể” - Cloud, nhằm tiết giảm chi phí, giảm giá thành, từ đó tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng.