Trong đó, 5 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới đã đưa ra mức tăng 325 điểm cơ bản trong đợt tăng lãi suất vào tháng 7. Điều này nâng tổng mức nâng lãi suất kể từ đầu năm của các ngân hàng trung ương G10 lên 1.100 điểm cơ bản.
Mức tăng/giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương G10 |
Christian Kopf, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Union Investment cho biết: “Chúng tôi đã đạt đến đỉnh cao sự diều hâu của các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương đã nói rõ rằng họ sẽ không lạm dụng việc tăng lãi suất, đó cũng là thông điệp do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell truyền đạt”.
Trong khi đó, tháng 7 được nhấn mạnh bởi một số động thái bất ngờ. Canada nổi lên như một con diều hâu chính, làm kinh ngạc các thị trường bằng cách đưa ra mức tăng lãi suất 100 điểm cơ bản lần đầu tiên trong số các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới trong chu kỳ tăng lãi suất hiện tại, nâng lãi suất chính sách chủ chốt của nước này lên 1,5%.
New Zealand đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ sáu liên tiếp và cho thấy nước này vẫn thoải mái với lộ trình thắt chặt nhanh chóng đã được lên kế hoạch để kiềm chế lạm phát.
Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản thứ hai liên tiếp, củng cố cam kết kiềm chế lạm phát tăng nóng đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi cũng thực hiện các lộ trình thắt chặt chính sách mặc dù lạm phát ở khu vực này thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.
Các nền kinh tế mới nổi tăng lãi suất |
Cụ thể, 9 trong số 18 ngân hàng trung ương các thị trường này đã thực hiện tăng lãi suất 850 điểm cơ bản trong tháng 7. Tổng cộng, các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất 5.265 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay - gần gấp đôi so với mức tăng 2.745 điểm cơ bản cho cả năm 2021.
"Các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi vẫn lo lắng về lạm phát hơn là tăng trưởng", chiến lược gia David Hauner của BofA cho biết.
Hungary đã tăng lãi suất cơ bản hai lần trong tháng 7 với mức tăng thêm 300 điểm cơ bản lên 10,75% và là mức lãi suất hai con số lần đầu tiên kể từ cuối năm 2008.
Tuy nhiên, các thị trường mới nổi cũng ghi nhận động thái cắt giảm lãi suất, với việc Nga giảm lãi suất từ mức 20% sau ảnh hưởng của cuộc xung đột với Ukraine về còn 8% trong tháng 7.
Tobias Adrian, Giám đốc Vụ Thị trường Vốn và Tiền tệ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, áp lực lạm phát sẽ vẫn là một vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách.
“Rủi ro lạm phát dường như nghiêng hẳn về phía tăng, có một rủi ro đáng kể là áp lực giá đang trở nên cố hữu và kỳ vọng không được đảm bảo”, ông cho biết.